DINH BÀ (Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh):
Theo một số nhà nhiên cứu văn hóa dân dân cho biết đặc trưng nổi bật của tín ngưỡng thờ nữ thần ở Lý Sơn đó là sự hiện diện khá nhiều các vị nữ thần của người Chăm, như: nữ thần Thiên Yana, Thuỷ Long thần nữ, Bà chúa Yàng, Bà Chúa Lồi, chúa đất Ngu Man Nương. Theo giải thích của một số nhà nghiên cứu, bà chúa Yàng (hay còn gọi là Trời) có thể cũng là bà Thiên Yana vì Thiên Yana còn có tên gọi là Bà Trời. Qua đó khẳng định các vị nữ thần của người Chăm đã được người Việt trên đảo tiếp nhận, tôn vinh, thờ phụng để cầu mong các vị nữ thần giúp đỡ họ được bình an như những vị nữ thần của người Việt.
Dinh Bà, dân gian thường gọi là dinh Bà Trời (thờ nữ thần Thiên y a na), được xây dựng trên một gò đất cao thuộc xóm Trung Yên, thôn Đông, xã An Hải. Nơi đây xưa là một vùng gò đồi với nhiều cây cổ thụ to lớn, cành lá xum xê, nhân dân thường gọi là rừng Dinh. Hiện tại xung quanh Dinh vẫn còn nhiều cây sợp cao hàng chục mét, tỏa bóng mát cả một vùng. Qua khảo sát cho thấy dinh Bà ở xóm Trung Yên nguyên thủy là nơi thờ nữ thần Thiên y a na của người Chăm, sau đó người Việt ra định cư đã tiếp tục thờ cúng vị thần của người Chăm và sau này xây dựng dinh thờ theo kiểu kiến trúc Việt. Xung quanh dinh Bà hiện nay vẫn còn tồn tại một số di tích của người Chămpa như: Giếng nước, miếu con Bò (hay còn gọi là miếu Bà chúa Lồi). Những di tích đó khẳng định người Chăm pa đã sống tập trung thành làng xóm và họ đã lập các miếu thờ, để thờ các vị thần của họ. Di tích miếu con Bò, cách dinh Bà khoảng 200m hiện tại chỉ còn phế tích. Nhưng người dân ở đây vẫn nhớ rất rõ vật thờ trong miếu là một con bò, vì vậy nhân dân thường gọi là miếu con bò.
Dinh Bà được xây dựng từ thời gian nào đến nay vẫn chưa có tài liệu nào ghi chép. Tuy nhiên, căn cứ vào những đặc điểm di tích có thể khẳng định đây là một di tích thờ thần của người Chămpa, sau đó người Việt tu bổ, xây dựng có qui mô như hiện nay. Theo một số tài liệu ghi chép còn lưu giữ tại Dinh thì trước đây Dinh được lợp bằng tranh, đến năm Bảo Đại thứ 9 dân trong làng mới quyên góp tiền của và tiến hành sửa chữa trùng tu dinh. Đến năm Bảo Đại thứ 19 tiếp tục tu bổ như ngày nay.
Dinh có kiến trúc hình chữ Tam ( ) chia làm 3 tòa: Tiền đường, chánh địên, hậu cung. Hậu cung là nơi thờ Thiên yana được xây bằng chất liệu vôi vữa tam hợp. Kiến trúc bên ngoài cuả dinh là kiểu kiến trúc thời Nguyễn, thế kỷ 19. Nhà hậu cung có các đầu đao trang trí rồng, diềm mái lợp ngói ống, phần trên cắt cổ diêm thành 4 mái; cổ diêm chia làm 4 mặt, mỗi mặt trang trí theo 3 ô hộc: ô hộc giữa là trang trí chính,là nơi thể hiện các chủ đề chính. Hai bên là 2 ô hộc phụ nhằm để minh họa phụ trợ cho ô hộc chính.
Mặt trước ô hộc chính trang trí đôi sóc vui đùa dưới gốc đào, hai bên ô hộc phụ trang trí hoa. Mặt thứ hai trang trí: Ô hộc chính trang trí chữ “thọ” đắp nổi, 2 ô hộc 2 bên trang trí đôi chim sẻ trên cành trúc và cành đào; mặt thứ 3: ô hộc chính trang trí sơn thủy và cành mai, ô hộc 2 bên trang trí chùm quả đào tiên. Ý nghĩa của các chủ đề trang trí trên có ý nghiã cầu mong phước, lộc, thọ trường tồn. Diềm của các ô hộc trang trí văn kỷ hà, đặc biệt nóc mái của cổ diêm được làm cong như một chiếc thuyền, ở 2 đầu mũi thuyền là 2 con rồng đang uốn mình bay lên (điểm giữa chiếc thuyền, trên đỉnh nóc cổ diêm, trang trí phụng đắp nổi, 2 bên là 2 con cá chép theo kiểu song ngư, đỉnh nóc cổ diêm trang trí “lưỡng long tranh châu”. Đây là mô típ trang trí phổ biến trong kiến trúc thời Nguyễn.
Trước dinh có bình phong, trụ biểu, trên 2 trụ biểu có 2 con kỳ lân. Bình phong được đắp nổi 2 mặt: mặt ngoài là hổ, mặt bên trong là long mã . Ngoài ra trước dinh còn có một con Nghê đá, tương truyền con nghê đá được người dân tìm thấy ngoài biển và mang về thờ tại dinh. Hiện tại ở Lý Sơn có 2 con nghê đá: 1 con được thờ ở dinh Bà và 1 con thờ ở chùa Vĩnh Ân, xã An Vĩnh, đây là 2 con Nghê đá có niên đại thời Minh (Trung Quốc).
Bên trong dinh được bố trí thờ phụng như sau: Tại hậu cung thờ tượng Bà ở giữa, 2 bên là tượng cô và cậu – đây là mô típ thờ thần Thiên Yana tại các lăng thờ ở Lý Sơn và nhiều nơi khác. Tương truyền tượng bà Thiên Yana và tượng cô, cậu được làm bằng gỗ mít. Cây gỗ mít được một người dân ở Lý Sơn sau một thời gian tìm kiếm khắp nơi nhưng không tìm thấy đã được Bà báo mộng và tìm được ở xã Bình Hải (huyện Bình Sơn) mang về Lý Sơn và thuê thợ tạc tượng ở làng Kim Bồng (Hội An) tạo nên. Tượng Bà cao khoảng 0,5m, dáng ngồi và được đặt trên ngai thờ, đầu đội khăn xanh. Toàn bộ tượng Bà toát lên vẻ phúc hậu của một người phụ nữ Việt Nam. Trước tượng Bà có linh vị khắc chữ Hán: “Sắc hoằng huệ phổ tuế linh mặc tướng trang uy dực bảo trung hưng Thiên Yana diễn ngọc phi thượng đẳng thần“. Ngăn cách giữa chánh điện và hậu cung là hệ thống cửa gỗ, được trang trí chạm thủng với các chủ đề “lưỡng long tranh châu” và đôi voi. Đây là mô típ trang trí của người Chăm vì theo truyền thuyết Thiên Yana thường cưỡi voi.
Tại gian giữa chánh điện có bàn thờ và ngai thờ Bà, 2 bên là 2 ban thờ tiền hiền, hậu hiền; tại tiền đường các ban thờ được phân chia: giữa là ban thờ Bà, 2 bên đặt 2 con ngựa gỗ và 2 bộ lỗ bộ (thập bát ban võ nghệ), 2 bên đặt các ban thờ tiền vãng, hậu vãng, cô hồn. Mỗi ban thờ đều có đầy đủ đồ thờ tự như: bình phong, bộ tam đồng… Đặc biệt trong dinh có rất nhiều bức hoành phi và liễn đối. Tại tiền đường của dinh có treo 3 bức hoành phi đại tự chữ Hán: “Oai linh quán cổ”, “Thiên y linh thần”, “Thánh phi điện”; tại hậu cung có bức hoành phi “Thiên Yana”. Nhiều câu liễn đối ở tại tiền đường và chánh điện nội dung nói lên sự linh hiển của thần Thiên Yana và mong thần phù hộ cho nhân dân có cuộc sống thái bình, thịnh vượng. Nội dung một số câu đối: “Thần minh phổ tế hộ an dân/Linh trấn kim đài cư thượng cảnh”, “An hội thanh tâm duy đức thạnh/Báo phò xích tử hiển thần oai”, “Thần oai hiển hách vĩnh thiên thu/Thánh đức chiếu chương thùy vạn cổ”.
Hàng năm, tại đền Thiên Y a na tổ chức các lễ chính như: Lễ vía bà, lễ xuống nghề, lễ hoàn nguyện, sinh hoạt tín ngưỡng liên quan đến lễ hội đua thuyền đầu năm của nhân dân xóm Trung Yên, làng An Hải.