Nhà thờ cai đội Hoàng Sa Phạm Quang Ảnh

NHÀ THỜ CAI ĐỘI HOÀNG SA PHẠM QUANG ẢNH

Về sự hình thành và hoạt động của đội Hoàng Sa trong lịch sử sách Phủ biên tạp lục của nhà bác học Lê Qúy Đôn khi đang giữ chức Hiệp trấn Thuận Hóa năm 1776, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú và Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, đều có những dòng ghi chép khá cụ thể. Đặc biệt là ghi chép trong Phủ biên tạp lục của Lê Qúy Đôn: “Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng hai nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đấy tha hồ bắt chim cá mà ăn. Lấy được hóa vật của tàu, như gươm, tiền bạc, vòng bạc… Đến kỳ tháng 8 thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp”. 

Lịch sử bảo vệ chủ quyền suốt gần 3 thế kỷ (TK.XVII, XVIII và nữa đầu TK XIX) đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của dân tộc được viết bằng nhiều mồ hôi, máu và cả sinh mạng của nhiều thế hệ tráng đinh của 2 phường An Vĩnh và An Hải xưa. Họ thật sự là những anh hùng vô danh mãi mãi được lưu truyền trong tâm thức của người dân Lý Sơn hôm nay và mai sau. Dù đội Hoàng Sa – Bắc Hải đã chấm dứt hoạt động từ lâu, về mặt thời gian phải nhiều thế hệ đời người, nhưng hình ảnh về những người lính trong đội Hoàng Sa xưa vẫn tồn tại, hiển hiện rất rõ trong lòng của dân trên đảo Lý Sơn và trường tồn theo năm tháng bởi một dòng chảy văn hóa hết sức đặc sắc được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Có thể nhiều người dân ở Lý Sơn chưa bao giờ được đọc những dòng ghi chép về đội Hoàng Sa, nhưng họ vẫn biết cha ông họ một thời đã quên mình vì thực hiện sứ mệnh vua sai ra bảo vệ và khai thác sản vật ở Hoàng Sa, Trường Sa trong một điều kiện hết sức hiểm nguy luôn đối mặt với cái chết, bằng một dòng văn học dân gian truyền miệng và thông qua những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đặc sắc mang đậm nét nhân văn.

Đặc biệt nhân dân Lý Sơn hiện nay có nhiều di tích, nhà thờ các vị cai đội và chỉ huy Đội Hoàng Sa người Lý Sơn nổi tiếng như Cai đội Võ Văn Khiết, Võ Văn Phú, Võ Văn Hùng, Phạm Hữu Nhật, Phạm Quảng Ảnh…

Nhà thờ Cai đội Hoàng Sa Phạm Quang Ảnh: Ông là người ở làng An Vĩnh, được Vua Gia Long nhiều lần sai thống lĩnh đội Hoàng Sa ra do thám và đo đạt thủy trình ở quần đảo Hoàng Sa.  Trong thư tịch “Đại Nam thực lực chính biên” cho biết Phạm Quang Ảnh đã làm Đội trưởng Đội Hoàng Sa dưới triều Vua Gia Long (1802-1820). Trong thư tịch cho thấy trong 2 năm 1815, 1816 vua Gia Long đã sai Phạm Quang Ảnh dẫn Đội Hoàng Sa đến đo đạc thủy trình tại đảo Hoàng Sa. Sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ” chép “ tháng Giêng năm Ất Hợi (1815) (vua Gia Long) sai đội trưởng Phạm Quang Ảnh dẫn lính Hoàng Sa đến quần đảo Hoàng Sa để xem xét đo đạt thủy trình”. Tiếp đến năm 1816, Đội trưởng Phạm Quang Ảnh “Năm Bính Tý niên hiệu Gia Long thứ 15 (1816)… vua ra lệnh cho thủy quân và Đội Hoàng Sa đi thuyền ra Hoàng Sa đễ xem xét và đo đạt thủy trình” (Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ). Qua thư tịch ghi chép cho thấy, Phạm Quang Ảnh là người có công lớn trong việc thám hiểm và đo đạt thủy trình tại quần đảo Hoàng Sa. Hiện nay tại quần đảo Hoàng Sa có đảo mang tên ông, gọi là đảo Phạm Quảng Ảnh.  Những chuyến thám hiểm và đo đạt thuỷ trình tại quần đảo Hoàng Sa là cơ sở quan trọng để triều đình nhà Nguyễn xác định thủy trình từ đất liền đến quần đảo Hoàng nhằm thực hiện bảo vệ và khai thác sản vật cũng như khẳng định chủ quyền của dân tộc đối với quần đảo Hoàng Sa.

Mộ ông Phạm Quang Ảnh và mộ lính Hoàng Sa tại thôn Đông, xã An Vĩnh – đây là một ngôi mộ gió, không có di cốt, nằm ở phía tây nhà thờ ông. Tương truyền ông và những người lính trong Đội Hoàng Sa đều chết trên biển, nên người trong tộc họ làm mộ kiểu “chiêu hồn nhập cốt” theo phong tục của địa phương khi người chết mất xác. Hiện nay ông được con cháu thờ tại nhà thờ Phạm Quang (xóm Đông, xã An Vĩnh). Di tích nhà thờ ông được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

 Hàng năm, nhà thờ họ Phạm Quang tổ chức lễ cúng việc lề và tế lính để tưởng niệm những người trong họ tộc đi lính Hoàng Sa đã hy sinh, nghi lễ nhằm giáo dục cho con cháu đời đời noi gương các bậc tiền nhân đã quên mình trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.