LĂNG CHÁNH:
Trong các truyền thuyết của người Chămpa, cá Voi được xem là một vị thần có khả năng cứu người bị nạn trên biển. Trong truyền thuyết của người Việt, cá Voi có nguồn gốc từ mảnh áo cà sa của Phật Bà Quan Âm xé ra ném xuống biển và hóa phép biến mảnh áo cà sa thành cá Ông. Sau đó lấy bộ xương cá Voi tặng cho cá Ông để có thân hình to lớn và cho cá Ông có phép thâu đường để bơi nhanh để cứu ngư dân gặp nạn trên biển. Như vậy trong truyền thuyết của người Việt và người Chăm có sự giống nhau trong yếu tố bái Vật Giáo, xem cá Voi là một vị thần và lập đền thờ để thờ cúng. Tại đảo Lý Sơn có 8 lăng thờ cá Ông, hầu như trong các lăng thờ đều có rất nhiều bộ xương cá Ông.
Trong quan niệm tín ngưỡng của cư dân biển, họ xem cá Ông là vị “phúc thần” bảo hộ cho sự bình yên ghe thuyền và tính mạng ngư dân trên biển. Do vậy trong Vạn có quy định mà hầu như mọi ngư dân đều tự giác tuân theo đó là khi thấy cá Ông chết (gọi là đi tu) thì bằng mọi cách phải đưa vào bờ để làm lễ mai táng và xem đó là điềm may mắn và gửi gắm niềm hy vọng sẽ được Ông phò trì trong các chuyến đi đánh bắt hải sản trên biển.. Người phát hiện cá Ông chết đầu tiên được gọi là “trưởng tử”. Trưởng tử phải để tang trong 24 tháng, khi tế cúng cá Ông trong thời gian để tang Ông, chủ Vạn làm chủ tế, trưởng tử bịt khăn tang màu đỏ đứng hầu. Cá Ông được chôn từ 3 đến 7 năm, tùy theo cá to hay nhỏ, sau đó làm lễ “thượng ngọc cốt”, cải táng lấy xương đưa vào quan quách đem thờ trong lăng. Diễn trình lễ tế cúng cá Ông từ khi chết đến khi cải táng giống như nghi lễ tế cúng của một con người. Các ngày kỵ của các lăng Cá Ông được lấy vào ngày khi cá Ông chết và được ngư dân đem chôn cất.
Thờ cúng cá Ông là một loại hình tín ngưỡng khá phổ biến của ngư dân ven biển miền Trung, tuy nhiên mỗi vùng, mỗi địa phương có những nét riêng biệt ở hình thức cúng tế, tổ chức sinh hoạt lễ hội hàng năm tại các lăng thờ cá Ông, tạo nên những nét đặc sắc riêng, phản ánh được ý niệm linh thiêng hóa cá Ông đối với đời sống của một cộng đồng cư dân. Đối với cư dân huyện đảo Lý Sơn, thì tín ngưỡng thờ cúng cá Ông là một loại hình tín ngưỡng hết sức đặc trưng, nó thể hiện rõ nét và chi phối mạnh mẽ hoạt động sinh hoạt văn hóa tâm linh của tất cả cộng đồng cư dân sinh sống trên đảo. Và việc thờ cúng cá Ông là việc chung của cả cộng đồng.
Trong điều kiện sống môi trường biển đảo, bốn bề là biển cả, kinh tế biển với những phương tiện đánh bắt thô sơ luôn gặp bất trắc trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên, vì vậy người dân trên đảo tìm đến một điểm tựa tinh thần, một niềm tin tín ngưỡng để vững vàng trước những hiểm nguy trong quá trình mưu sinh trên biển cả. Và với niềm tin vào sức mạnh cứu rỗi của vị thần Nam Hải – cá Ông có thể ứng cứu thuyền bè khi gặp gió to sóng dữ, ngư dân vạn chài Lý Sơn đã xem cá Ông là vị “phúc thần” bản mệnh của họ.
Di tích lăng Chánh là Lăng thờ cá Ông chính của Vạn Vĩnh Thạnh (xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn), nằm ở xóm Bến Đình, thuộc thôn Đông, xã An Vĩnh. Theo ghi chép tài liệu còn lưu giữ tại lăng, thì lăng được xây dựng vào thời Minh Mạng và đã nhiều lần tu sửa. Lúc ban đầu kiến trúc lăng Chánh chỉ là vách đất, mái được lợp bằng tranh, đến năm Thành Thái mười lăm (1901), do mưa bảo làm sập lăng nên nhân dân đã làm đơn xin chính quyền xây lại lăng thờ. Nguyên văn đơn “…nguyên trước đây bổn ấp có thiết lập một tòa miếu bằng tranh tre để thờ đức ngư thần, ấp chúng tôi theo đó phụng tự, vào ngày tháng tám năm ngoái bị gió bão dữ dội, xoi phá trước sân, lỡ sạt thềm miếu. Ngày mùng bảy tháng này, vị linh thần miếu này ứng nhập vào đồng nhi, sức ấp chúng tôi đào dưới thềm miếu, biện được hình linh cốt lâu đời, bổn ấp chúng tôi rước linh cốt ấy vào miếu, sùng tu phụng thờ. Nay ấp chúng tôi đồng ưng tự xuất tiền nhà dựng miếu này, tìm mua ngói lợp lên để được sạch sẽ trang nhã… vì thế mong quan Huyện đường xét chiếu lời xin phê cho ấp chúng tôi làm bằng để sửa sang ngôi miếu...” (ngày 16 tháng 8 niên hiệu Thành Thái thứ mười lăm). Năm 1997, lân Chánh được bổn Vạn đầu tư tôn tạo quy mô lớn và bề thế như hiện nay. Lân có kiến trúc hình chữ Tam ( ), gồm tiền đường, chánh điện và hậu cung. Tiền đường là nơi chuẩn bị hành lễ và hội họp bổn vạn, có 3 cửa vào, khuôn cửa cấu trúc dạng cửa bàn khoa. Chánh điện có 3 gian, với 4 hàng gỗ mít. Các chân cột đều kê đá, trên đầu 4 hàng cột đỡ xuyên trính và 4 vì kèo. Bộ vì kèo không trang trí, chỉ duy nhất con đội có trang trí phần đế và phần đầu đỡ thượng lương, được tạo dáng theo kiểu cánh dơi. Hậu cung được thu hẹp về diện tích, nhưng chiều cao được nâng lên theo kiểu cắt cổ diêm, tạo thành tám mái.
Trong Chánh điện, trên đỉnh có hoành phi sơn son thếp vàng có 4 chữ Hán “Đại càn quốc gia”. Không gian tờ tự chia làm 3 gian, gian giữa thờ thần, hai bên là hai gian thờ Quang Tiền và Vũ Hậu. Trong hậu cung có nhiều quách đựng xương cá Ông và 1 linh vị thần Nam Hải.
Phần mái của lăng Chánh lợp ngói bản, trên bờ mái, nóc mái, đầu hồi đều có đắp nổi rồng phượng rất sinh động. Phía ngoài lân là bình phong đắp nổi long mã và trụ biểu. Phía đông lân Chánh là miếu Bà Thuỷ (Thủy Long thần nữ) – vị thần cai quản sông nước.
Lăng Chánh là trung tâm tổ chức sinh họat lễ hội liên quan đến tín ngưỡng thờ cá Ông của cư dân ngư nghiệp Lý Sơn, như lễ xuống nghề của Vạn, lễ hoàn nguyện (lễ lên nghề), lễ mở cửa biển, lễ cầu mùa, lễ động thổ… Đặc biệt lăng Chánh năm trong quần thể di tích bao gồm đình làng An Vĩnh, chùa Vĩnh Ân và nhà thờ Tiền hiền đã góp phần tạo nên một quần thể di tích tín ngưỡng đặc biệt có giá trị trên đảo Lý Sơn.