Dinh Tam Tòa

DINH TAM TÒA (Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh).   Dinh được xây dựng trong khoảng thời gian triều vua Gia Long (1802-1820). Vị trí dinh nằm ở thôn Tây, xã An Hải, trên bờ biển đẹp, gắn với thắng cảnh Hang Cò. Dinh được bao bọc bởi bờ thành bằng đá và tán cây cổ thụ bao phủ. Đây là di tích tín ngưỡng – là trung tâm sinh họat tín ngưỡng của nhân dân xóm Tây, xã An Hải.

Dinh Tam Tòa thờ các vị thần Thủy Long thần nữ,  Bạch Mã Thái giám và Hồng nương chúa động. Về không gian cảnh quan của dinh Tam Tòa rất đẹp, người xưa chọn nơi xây dinh theo thuật phong thủy “tả thanh long, hữu bạch hổ, tiền án hậu chẩm”. Dinh lấy bàn than nổi trước dinh và vách núi Hang Cò làm minh đường, lấy đồi đất cao phía đông làm “tả thanh long” và dãi cồn đất cao phía tây làm “hữu bạch hổ”, “hậu chẩm” là núi Thới Lới. Xung quanh di tích có nhiều cây cổ thụ, tán cây bao trùm cả di tích.

Dinh Tam Tòa có kết cấu kiến trúc theo hình chữ Đinh, gồm nhà tiền tế và hậu cung. Bao quanh dinh có tường đá bảo vệ. Cổng tam quan của dinh được xây dựng cao lớn, gồm 2 tầng, một cửa chính và đắp nổi nhiều hình “giao long” rất sinh động – đây là cổng tam quan khá độc đáo và duy nhất hiện có tại các cơ sở tín ngưỡng trên đảo Lý Sơn. Đi qua cổng chính là đến bình phong đắp nổi long mã, hai bên là hai trụ biểu, qua quãng sân rộng là đến nhà chính. Trên bờ mái của nhà tiền tế và hậu cung đều được trang trí và đắp nổi các con vật tứ linh: long, ly, quy, phượng. Các đầu đao có đắp nổi hình giao long và trên đỉnh mái đắp nổi “lưỡng long tranh châu”.

Nhà Chánh điện có 24 cột, trong đó có 4 cột cái và 18 cột quân. Hệ thống cột đỡ bốn bộ vì kèo và chia lòng nhà thành 3 gian. Gian giữa đặt án thờ, ngai thờ, lỗ bộ. Gian bên tả thờ Thành hoàng bổn cảnh. Gian bên hữu thờ tiền hiền, hậu hiền. Ngoài hiên nhà tiền tế có 6 cột được dựng bằng chất liệu ximăng,  được trang trí bằng hoa dây thực vật, đắp nổi rồng quấn quanh thân cột… Hậu cung hay còn gọi là hậu tẩm diện tích bị thu hẹp để tạo sự linh thiêng, cửa dạng vòm cuốn, vách đắp vôi tam hợp. Mái hậu cung cắt cổ diêm, được tạo thành 8 mái và được trang trí đắp nổi các chủ đề rồng, phượng, hoa mai, điểu… Bên trong nhà hậu cung có 3 gian thờ: gian giữa thờ Bạch mã Thái giám, gian hữu thờ Thủy Long công chúa, gian tả thờ chư vị Ngũ hành.

Ngoài ra, trong dinh Tam Tòa có nhiều liễn đối và nhiều hoành phi cẩn xà cừ rất đẹp. Tại các ban thờ được trang trí thâm nghiêm, gồm có tam đồng, bình sành sứ, ngựa gỗ và  bộ lỗ bộ (thập bát ban võ nghệ).

Nhìn chung không gian kiến trúc dinh Tam Tòa vẫn còn giữ dáng vẻ kiến trúc cổ xưa. Tiền sảnh có hệ thống cửa bàn khoa được chạm khắc rất tinh xảo. Không gian nhà tiền tế có hàng cột làm bằng gỗ mít được trau chuốt đẹp đẽ, các con đội được trang trí phần đế và phần đỡ thượng lượng được tạo dáng theo kiểu cánh dơi. Nhà hậu cung được xây cao và được trang trí sinh động với các chủ đề tứ linh, dây leo thực vật, … 

Dinh Tam Tòa là di tích tín ngưỡng dân gian, nơi tổ chức các sinh họat tín ngưỡng – lễ hội của nhân dân xóm Tây, xã An Hải, gắn với sinh họat lễ hội đua thuyền truyền thống và các lễ cầu mùa, cầu an với mong muốn xóm làng bình an, mùa màng bội thu của cư dân nông nghiệp và cả ngư nghiệp.