Di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện Lý Sơn

THUYẾT MINH

Di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh 

trên địa bàn huyện Lý Sơn

1. Giới thiệu sơ lược về đảo Lý Sơn:

a) Vị trí địa lý – điều kiện tự nhiên: 

Đảo Lý Sơn ở về phía đông bắc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền 15 hải lý, gồm 1 đảo lớn (Cù lao Ré), 1 đảo bé (Cù lao Bờ bãi) và hòn Mù Cu. Có diện tích tự nhiên khoảng 10,3 km­­2, dân số khoảng 22.000 người. Toàn huyện đảo có 3 xã: An Hải, An Vĩnh và An Bình (đã giải thể chính quyền cấp xã 01/4/2020 theo NQ số 867).

Đảo bé, còn gọi là Cù lao Bờ Bãi, nay là xã An Bình, nằm cách đảo lớn khoảng 5km phía tây bắc. Có diện tích tự nhiên 68ha, dân số hơn 400 người. Về kiến tạo địa chất đảo Bé cũng là do sự vận động của núi lửa tạo thành, nên hiện nay trên đảo còn nhiều bãi  nham thạch của núi lửa và do sự xâm thực của sóng biển tạo nên những hang động kỳ vỹ có giá trị khai thác du lịch sinh thái biển đảo như: hòn Đụn, hang Chàng thiếp, Bãi hang sau…

Phía đông nam đảo lớn có hòn Mù Cu, cách bờ 500m, nơi đây chỉ là những bãi đá nhô cao và chỉ có duy nhất loài cây Mù Cu sinh sống nên người dân gọi là hòn Mù Cu. Hòn Mù Cu nhỏ hẹp, không có người ở. Hiện nay, tại khu vực hòn Mù Cu được xây dựng thành vũng neo đậu tàu thuyền của ngư dân trên đảo.

Về mặt hành chính, thời Chúa Nguyễn, đảo Lý Sơn gọi là Cù lao Ré, gồm 2 phường An Vĩnh và An Hải. Đời vua Gia Long, năm 1808, Lý Sơn đặt thành tổng, gọi là Tổng Lý Sơn. Đời vua Đồng Khánh, hai phường An Vĩnh và An Hải ở Lý Sơn thuộc Tổng Bình Hà, huyện Bình Sơn, về sau đặt lại tổng Lý Sơn. Đến năm 1931, tổng Lý Sơn đặt thành đồn Lý Sơn trực thuộc tỉnh Quảng Ngãi, có một viên Bang tá cai trị. Phường An Hải đổi thành xã Hải Yến, phường An Vĩnh đổi thành xã Vĩnh Long.

Sau khi cách mạng tháng Tám  năm 1945 thành công, đảo Lý Sơn gọi là tổng Trần Thành, gồm 2 xã: Dương Sạ (Hải Yến cũ) và Vĩnh Long. Năm 1946, tổng Trần Thành đổi thành xã Lý Sơn trực thuộc huyện Bình Sơn. Năm 1951, quân Pháp đánh chiếm đảo Lý Sơn và thiết lập 1 khu hành chính thuộc thành phố Đà Nẵng. Từ năm 1954-1975, chính quyền Sài Gòn chia Lý Sơn có 2 xã Bình Vĩnh, Bình Yến thuộc huyện Bình Sơn. Sau ngày giải phóng hai xã vẫn giữ nguyên tên gọi cũ. Ngày 01.01.1993, huyện Lý Sơn được thành lập, hai xã Bình Vĩnh và Bình Yến được đổi thành xã Lý Vĩnh và xã Lý Hải. Đến năm 2003 các tên xã của huyện được đổi thành xã An Vĩnh và An Hải và sau này đảo Bé được thành lập đơn vị hành chính cấp xã, gọi là xã An Bình.  

Do nằm ở vị trí án ngữ cửa biển Sa Kỳ – Quảng Ngãi nên đảo Lý Sơn có tầm quan trọng về quân sự. Từ giữa thế kỷ XV, Bắc quân đô đốc Bùi Tá Hán  trên đường đem quân nhà Lê Trung Hưng vào đánh dẹp quân nhà Mạc lấy lại vùng đất Thừa tuyên Quảng Nam đã đóng quân tại đảo Lý Sơn để thao diễn luyện tập và làm bàn đạp tấn công vào cửa biển Sa Kỳ và tiến quân đánh chiếm Quảng Ngãi và cả vùng Thừa Tuyên Quảng Nam từ quân Nhà Mạc. Sau này nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn đã xây dựng ở đây các đồn phòng thủ quân sự để bảo vệ vùng biển Quảng Ngãi. Đặc biệt do nằm ở vị trí trên con đường thương mại trên biển, nên Lý Sơn từ xa xưa đã có sự giao lưu thương mại – văn hóa với các trong khu vực. 

b. Lịch sử hình thành dân cư 

Kết quả khai quật khảo cổ học tại các di chỉ xóm Ốc và suối Chình – hai dòng suối cổ trên đảo, các nhà khảo cổ học đã phát hiện nhiều hiện vật chứng minh rằng từ xa xưa trên đảo Lý Sơn đã có con người sinh sống, cách ngày nay khoảng 3000 năm.

Theo tài liệu ghi chép từ các tộc họ trên đảo Lý Sơn cho biết từ đầu thế kỷ XVII, khoảng thời gian vào những năm 1604 – 1610, có 15 người từ làng An Hải (nay thuộc xã Bình Châu – huyện Bình Sơn) và làng An Vĩnh (nay thuộc xã Tịnh Kỳ – thành phố Quảng Ngãi) di cư ra đảo khẩn hoang và sinh sống và hình thành nên 2 làng An Vĩnh và An Hải. Ở làng An Vĩnh có 7 vị tiền hiền, gồm các dòng họ: Phạm Quang, Phạm Văn, Võ Văn, Võ Xuân, Lê, Nguyễn, Trần ra khai phá vùng đất phía Tây của Đảo và lập ra phường An Vĩnh, nay là xã An Vĩnh.  Làng An Hải có 8 vị tiền hiền, gồm các dòng họ: Nguyễn, Dương, Trương, Trần, Võ, Nguyễn Đình, Nguyễn Văn, Lê khai phá vùng đất phía đông và phía Nam, lập ra làng An Hải, nay là xã An Hải .  Đến năm Gia Long thứ 3 (1804) các làng ngoài đảo Lý Sơn mới tách khỏi 2 xã An Vĩnh và An Hải trong đất liền và được hình thành những đơn vị hành chính độc lập theo đơn ghi ngày 11 tháng 2 năm 1804, xin tách khỏi xã An Vĩnh (thuộc huyện Bình Sơn) do các chức sắc phường An Vĩnh đệ trình lên triều đình, 

Từ buổi đầu khai hoang, lập làng người Việt trên đảo Lý Sơn đã gặp không ít khó khăn khắc nghiệt từ thiên nhiên cũng như sự cướp phá của giặc cướp biển (giặc Tàu ô) để bảo vệ xóm làng. Đặc biệt là lịch sử đấu tranh bảo vệ chủ quyền của đất nước trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã ghi đậm công trạng và sự hy sinh anh dũng của biết bao thế hệ người dân trên đảo. Và ngày nay nhiều di tích liên quan đến đội Hoàng Sa – Trường Sa vẫn còn tồn tại và nhiều câu ca lưu truyền trên đảo Lý Sơn “Hoàng Sa đi có về không/Lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi” hay “ Trường Sa mây nước bốn bề/ Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa”.

Quá trình hình thành và phát triển cộng đồng dân cư trên đảo Lý Sơn gắn liền với xây dựng nền tảng văn hóa tín ngưỡng của người Việt trên đảo. Trên cơ sở nền tảng văn hóa của người Chămpa, người Việt đã tiếp thu và phát triển tạo nên nền văn hóa có sự tiếp biến của các giá trị văn hóa truyền thống của văn hóa Chămpa và văn hóa Việt khá nhuần nhuyễn và mang đậm nét văn hóa –  tín ngưỡng của cư dân Việt ở đồng bằng Bắc bộ. Hiện nay trên đảo Lý Sơn vẫn còn tồn tại những nét sinh họat văn hóa cổ xưa như: tế đình, tế thần tại các dinh thờ; các lễ hội tiêu biểu như: Hội dồi bòng, đua thuyền, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa… mang nét tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp đồng bằng Bắc bộ, kết hợp với những hình thức tín ngưỡng như thờ cúng âm hồn, thờ nữ thần, thờ cúng cá Ông… và cùng với hệ thống di tích kiến trúc tín ngưỡng đình, chùa, miếu mạo thờ cúng thần linh đã tạo nên một Lý Sơn giàu truyền thống văn hóa – tín ngưỡng.

c) Đặc điểm kinh tế .

– Về ngư nghiệp:  Trước đây do phương tiện đánh bắt hải sản hạn chế, chủ yếu là thuyền nhỏ và thúng,  nên chỉ một số ít hộ dân trên đảo làm nghề biển và đánh bắt gần bờ, với nghề lưới cá chuồn, lưới cá sơn, cá trích, câu mực là chính. Tuy nhiên nhờ kinh nghiệm đi biển nên người dân làng An Vĩnh, An Hải xưa đã được triều đình phong kiến tuyển mộ đi khai thác sản vật trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.  Hiện nay, do điều kiện kinh tế phát triển, người dân đã đầu tư đóng mới nhiều phương tiện đánh bắt hiện đại, có khả năng đánh bắt xa bờ, ở các ngư trường trong nước, tận các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nên kinh tế biển phát triển mạnh ở Lý Sơn và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trọng chiến lược phát triển kinh tế ở Lý Sơn trong tương lai. 

Hiện nay, trên đảo Lý Sơn có khoảng 450 tàu đánh bắt hải sản, trong đó có khoản 290 tàu cá có công suất trên 90Cv dùng để đánh bắt xa bờ. Sản lượng đánh bắt hải sản hằng năm…… 

– Về nông nghiệp: ở Lý Sơn do điều kiện thổ nhưỡng đất đai không trồng được cây lúa, chỉ trồng được các loại cây lương thực như bắp, đậu ván, (đây là 2 cây lương thực chính cung cấp lương thực cho người dân trên đảo trước đây) và một số cây lương thực khác như mì, khoai lang, đậu phộng; trồng cây gai để lấy sợi đang lưới vừa phục vụ nhu cầu đánh bắt cá và đem trao đổi với các địa phương khác trong đất liền. Từ những năm 1960, cây hành, cây tỏi trở thành cây trồng chủ lực và là nguồn thu nhập kinh tế chủ yếu của người nông dân trên đảo.

Do đất đai phù hợp với điều kiện sinh trưởng của cây hành, tỏi nên chất lượng hành tỏi Lý Sơn nổi tiếng thơm ngon.  Tuy nhiên, việc lấy cát trắng ven biển để cải tạo đất trồng hành, tỏi thường xuyên diễn ra theo mùa vụ, nên có tác hại rất lớn đến môi trường trên đảo, đã làm mất đi những cồn cát và bãi cát trắng phau xung quanh đảo, làm cho sóng biển xâm thực ngày một nghiêm trọng vào diện tích đất ở và canh tác ven đảo. Mặc dù cây hành, cây tỏi là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng do qui trình cải tạo đất đòi hỏi phải có đất cát vôi trắng để cho năng suất cao, nhưng nguồn cát này đến nay hầu như đã cạn kiệt, vì vậy sản xuất nông nghiệp ở Lý Sơn gặp nhiều khó khăn. 

Đảo Lý Sơn có 370 hecta đất nông nghiệp. Cây trồng chủ lực chính là cây tỏi, hành, đậu, bắp, dưa hấu, mè. Sản lượng tỏi, hành ………

– Thương nghiệp: Do nằm ở vị trí quan trọng trên tuyến đường thương mại trên biển nên từ xa xưa đảo Lý Sơn đã có sự trao đổi mua bán hàng hóa với tàu buôn trên biển khi đi qua đảo. Đặc biệt do nhu cầu lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác phục vụ cho đời sống của nhân dân trên đảo, nên việc giao thương, mua bán trao đổi hàng hóa giữ Lý Sơn với đất liền thông qua phương tiện ghe Bầu diễn ra mạnh mẽ. Người Lý Sơn rất giỏi về nghề đi biển và kỹ thuật đóng ghe Bầu, họ dùng ghe Bầu để vào đến tận miền Nam mua gạo và các mặt hàng nhu yếu phẩm về cung cấp cho nhân dân trên đảo. Hàng hoá từ Lý Sơn là lưới gai, dầu phộng, các loại rong biển (rau câu, ra đông, rau chân vịt…) được chuyên chở đến các vùng ven biển Quảng Ngãi để bán và sau đó các thương lái đi vào các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Sài Gòn…để mua gạo, muối và một số mặt hàng nhu yếu phẩm khác về bán lại cho nhân dân trên đảo. Từ đó cho thấy hoạt động thương nghiệp trên đảo Lý Sơn đã phát triển khá mạnh thông qua hoạt động của ghe Bầu. Hiện nay, dịch vụ thương mại mua bán trên đảo đang phát triển mạnh, chủ yếu là các dịch vụ nghề cá, mua bán ngư lưới cụ và các dịch vụ phục vụ nhu cầu sinh họat của nhân dân trên đảo.

– Ngành nghề thủ công: Nhìn chung ngành nghề thủ công trên đảo ít phát triển, chưa hình thành được cơ sở nghề thủ công có quy mô lớn mà chỉ là các hộ gia đình làm nghề thủ công nhỏ như: nghề mộc, nghề đan lưới, chế biến hải sản… Ngành nghề thủ công nổi bật nhất ở Lý Sơn là nghề đóng ghe thuyền đi biển và nghề mộc xây dựng các công trình dân dụng, tín ngưỡng. Xưa các thợ thủ công nghề mộc ở Lý Sơn họ đã đóng được những chiếc ghe bầu có trong tải trên 50 tấn để vận chuyển hàng hóa buôn bán trên biển và các thuyền câu để ngư dân đánh bắt hải sản. Đặc biệt các thợ mộc Lý Sơn còn thể hiện sự tài hoa ở sự chạm khắc gỗ trong kiến trúc xây dựng nhà ở, lăng miếu hiện còn trên đảo. Các đề tài chạm khắc trên gỗ tại các vì kèo, cột, hệ thống cửa của một số nhà lá mái và di tích tín ngưỡng khá phong phú và tinh xảo, tạo nên những công trình kiến trúc có giá trị, tiêu biểu như đình làng An Hải, An Vĩnh,  dinh thờ Thiên Y a na, lăng thờ cá ông… 

Với ưu thế về biển và kinh nghiệm đánh bắt hải sản của ngư dân trên đảo và sự đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nghề cá của Nhà nước như xây dựng cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền và dịch vụ nghề cá, cho vay vốn ưu đãi để ngư dân đầu tư mua sắm ngư lưới cụ và đóng mới tàu thuyền,.. sẽ là nền tảng và cơ sở để kinh tế biển ở Lý Sơn phát triển mạnh và trở ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội ở Lý Sơn. Bên cạnh đó, với tiền năng di sản văn hóa truyền thống đa dạng, phong phú sẽ là lợi thế to lớn để phát triển du lịch sinh thái – nhân văn.

d. Về văn hóa – giáo dục.

Ở các xã trên đảo đều có đình làng, đền miếu để thờ thần Thành hoàng làng, Thần Nam Hải (cá Ông), Thiên y a na, Tiền hiền hậu hiền, thần Ngũ Hành, … và hằng năm tổ chức nhiều loại hình sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội mang đậm nét văn hóa truyền thống tại các di tích tín ngưỡng như: Lễ hội đua thuyền tứ linh, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, Hội Dồi bòng, Tế tiền hiền, Lễ lên nghề, Lễ hoàn nguyện, Lễ cầu mùa…tạo nét nét văn hóa truyền thống độc đáo của Lý Sơn.

 Về giáo dục: Hiện nay trên địa bàn huyện có một trường THPT, hai trường THCS, bốn trường Tiểu Học và ba trường mầm non. 

Về tôn giáo: Trên đảo có các tôn giáo chính: Phật giáo, Thiên chúa giáo, Cao đài, với các cơ sở thờ tự: Tịnh xá Ngọc Đức, Chùa Vĩnh Ân, Thánh thất Cao Đài, chùa Bà Phật Mẫu, Đỉnh Liêm Tự (chùa Đục) ở xã An Vĩnh và chùa Từ Quang, chùa Hang và một Giáo sứ ở xã An Hải.

Đảo Lý Sơn có các điểm tham quan: Ở xã An Vĩnh có cổng Tò Vò, chùa Đục, núi Giếng Tiền, Âm Linh Tự, đình An Vĩnh, Bảo tàng Đội Hoàng Sa – Bắc Hải, giếng Xó La. Ở xã An Hải có chùa Hang, Hang Câu, núi Thới Lới, hòn Mù Cu, đình An Hải, đền thờ Thiên Y a na. Ở xã An Bình có thắng cảnh Bãi Hang,   Mom Tàu, Hòn Đụn, …

2. Một số điểm tham quan chính:

2.1. THẮNG CẢNH CHÙA HANG.

1. CHÙA HANG (di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia). Chùa Hang,  tên chữ Hán là “Thiên Khổng Thạch tự” (chùa đá trời xây) nằm ở dưới vách núi Thới Lới, thuộc địa phận  thôn Đồng Hộ, xã An Hải. Chùa Hang được con người tận dụng hang đá sẳn có của thiên nhiên để thờ Phật. Chùa Hang có nguồn gốc trước đó là ngôi đền của người Chămpa thờ các vị thần Bà La Môn giáo (H. Parmentier: 1924) sau này người Việt tiếp thu đã thay thế vào đó bằng lối thờ Phật. Mặt bằng Chùa Hang nằm sâu trong hang núi và thấp hơn so với mặt đất ngoài hang nên ở cửa hang có bậc cấp đi xuống.  Bên ngoài Chùa Hang có nhiều cây bàng vuông tỏa bóng mát và tượng  Phật Quan Âm bồ tát, nhìn về hướng bắc mặt biển mênh mông dợn sóng. Từ xa xưa, chùa Hang cũng là nơi ẩn nấp của nhân dân trên đảo khi có giặc cướp biển đến Lý Sơn cướp phá.

 Hàng năm đến ngày lễ, tết Nguyên Đán, lễ Phật Đản, lễ Vu Lan, nhân dân địa phương thường đến Chùa làm lễ, tụng kinh niệm Phật. Riêng tộc họ Trần trên đảo Lý Sơn làm lễ giỗ tổ tại Chùa Hang  vào các ngày 10-3 và ngày 8-4 âm lịch hàng năm rất long trọng. Theo tài liệu gia phả họ Trần làng An Hải cho biết cách đây 300 năm, có ông tổ họ Trần là ông Trần Công Quận đã  lập ra Chùa Hang. Sau đó khoảng 100 năm, con cháu của ông là Trần Châu, Trần Tiềm tiếp tục tu tạo tại Chùa Hang. 

Chùa Hang  là tác phẩm tuyệt vời mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho con người vùng đất này. Ỏ đây núi và biển liền kề dựa vào nhau, tôn nhau lên tạo thành một bức tranh tuyệt tác. Thiên nhiên cảnh vật ở đây có một dáng vẻ riêng với những không gian mênh mông biển nước và một bên là núi cao và  với các vách đá dựng đứng, các hang động đá nguyên sơ gắn với các truyền thuyết về sự hình thành của đảo Lý Sơn và lịch sử chinh phục thiên nhiên của con người từ thuở xa xưa, tạo cho cảnh vật ở đây vừa hiện thực lẫn trong huyền thoại. 

Trên vách đá trước chùa có họa tiết hình Phật Thích Ca sơ sinh trong tư thế một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, theo triết lý Phật giáo, khi ngài sinh ra đi qua bảy đài sen trong tư thế như vậy gọi là “Thiên thượng địa hạ, Duy ngã độc tôn”, nghĩa là, trên trời dưới đất, chỉ có ngài là đức chí tôn mà thôi. 

Đường vào ra của Chùa Hang duy nhất chỉ có một con đường, ở trước cửa ra vào chùa có hai trụ biểu, ghi hai câu đối bằng chữ Hán : “Nhất Trần bát bảo bồ đề địa/ Vạn thiện đồng qui thiền khổ môn

Chùa Hang có chiều sâu 24m, bề rộng 20m, chiều cao 3,2m, diện tích 480m2. Nội thất Chùa Hang được bố trí như sau:

– Chính giữa có 3 ban thờ: ở chính giữa là ban thờ 3 vị Phật tổ là Di Đà, Như  Lai và Di Lặc, tọa trên tòa sen bằng đá. Phía bên phải là ban thờ 3 vị Quan thánh, mỗi tượng cao khoảng 0,3m, phía bên trái là ban thờ Sư Tổ Đạt Ma với bài vị bằng gỗ sơn son thiếp vàng, trên đó ghi: “Phụng từ Tây phương Đông Độ lịch dợi tổ sư linh vị”. Phía trước 3 ban thờ  là 3 tượng Phật: Chuẩn Đề cao 0,6m, tượng Quan âm cao 0.8m và tượng Địa Tạng cao 1m.

– Phía bên phải có 3 ban thờ, thứ tự tính từ trong ra là: Ban thờ 12 vị Diêm vương (Thập nhị Diêm Vương), Ban thờ các vị tộc họ Trần với bài vị ghi danh 3 người là: Phục từ khai sáng Trần Tổ Công Thành Từ Đạo Châu, hiệu Huyền Huyên Linh Vị, Phục từ Trần Tổ Công Tiềm, Từ Ấn Long, hiệu Huyền Kính, cao lão Hòa thượng Linh vị và ban thờ thứ 3 là thờ 7 vị tiền hiền khai phá lập ra làng An Hải, với bài vị ghi rõ là: “Phụng tự tiền hiền thất tổ tiên sanh từ vị chư thần vị”

– Phía bên trái trong nội thất chùa cũng có 3 ban thờ, tính từ trong ra là ban thờ Giám Trai, tiếp đến là ban thờ Ngũ Lội và ban thờ Tiền Vãng (thờ những người có đóng góp sức lao động  xây dựng tôn tạo chùa Hang ).

– Ở bên trong cổng ra vào, phía bên phải có bàn thờ bổn đạo thiện nam tín nữ và 3 ban thờ những người có công của xây dựng tu bổ Chùa Hang, trên vách tường xây có 2 câu đối chữ Hán: “Tịnh độ năng nhơn tiếp dẫn chúng sanh an dưỡng/Quắc cư sĩ tấn hoá bảo hộ hoàn lạc Tây Phương”. Phía bên trái, sát mép động đá có bàn thờ âm binh, cô hồn và một tượng Hộ pháp cao 0,8m .

Gắn liền với các huyền tích về chùa Hang, nhân dân Lý Sơn còn truyền tụng về hai con đường, đường lên trời và đường đi xuống âm phủ. Tương truyền ngày xưa những người họ Trần tu học đạo pháp đã dùng phép thuật tạo ra một cái hang rất sâu, trong hang có con đường đi dưới đất nối liền với hang Dơi ở xóm Tây, làng An Vĩnh. Đặc biệt huyền tích về 02 vị sư nổi tiếng đã tu đạo tại chùa, đó là ông Tiềm và ông Châu, 02 vị sư này đã tu luyện đắc đạo có khả năng “rấm đậu thành binh” để điều khiển âm binh trừ tà ma giúp dân ổn định đời sống. Và 02 ông cũng có khả năng đi trên mặt nước biển chỉ bằng một chiếc nón… Đây cũng chỉ là những truyền thuyết về các vị sư tu luyện tại chùa để làm tăng thêm sự huyền bí và linh thiêng của ngôi chùa nhưng qua những truyền thuyết đó cũng có thể nhận diện chùa Hang xưa vừa nơi vừa thờ Phật và là nơi tu luyện của các vị đạo sĩ theo đạo giáo.

Chùa Hang là một di tích thắng cảnh thiên nhiên và con người kiến tạo nên, đây là một di tích lịch sử, là một bằng chứng về quá trình khai phá và xây dựng đảo Lý Sơn của cư dân Đại việt cách đây gần 400 năm. Mặt khác, chùa Hang lại nằm  ở một vị trí có cảnh quan thiên nhiên rất đẹp, nên thơ và hùng vĩ nên trở thành một danh thắng nổi tiếng của Lý Sơn, thu hút nhiều khách tham quan, thưởng ngọan, là tiềm phát triển du lịch trên đảo Lý Sơn.

2.2. ĐÌNH LÀNG AN VĨNH

Trong lịch sử bảo vệ chủ quyền suốt gần 3 thế kỷ (XVII, XVIII và nữa đầu TK XIX) đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của dân tộc được viết bằng nhiều mồ hôi, máu và cả sinh mạng của nhiều thế hệ tráng đinh của 2 phường An Vĩnh và An Hải xưa. 

Từ thực tiễn hoạt động của đội Hoàng Sa xưa, trong điều kiện phương tiện tàu thuyền đi lại trên biển thô sơ và luôn “một đi không trở lại”, đã hình thành ở Lý Sơn một “lớp văn hóa” phản ánh khá rõ nét về hoạt động và sự hiểm nguy khi thực hiện nhiệm vụ trên biển của đội Hoàng Sa. Đó là những câu hát dân  gian “Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn/ chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây”; “Chiều chiều ra ngóng biển khơi/ ngóng ai đi lính Trường Sa chưa về”… Sâu đậm như một tâm linh văn hóa là sinh hoạt tín ngưỡng thờ cúng trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của người dân Lý Sơn. Ngoài các cai đội Phạm Quang Ảnh, Phạm Hữu Nhật, Võ Văn Khiết và những người lính trong đội Hoàng Sa xưa được người dân trong làng phối thờ lại di tích Âm linh tự với biểu tượng tháp thờ “Chiến sĩ trận vong” và một số đền thờ để ngàn đời nhớ đến công lao của họ. 

Đặc biệt là lễ khao lề thế lính Hoàng Sa xưa được tổ chức vào dịp “cúng việc lề” của họ tộc. Nguồn gốc sâu xa của “lễ khao lề” là “lễ tế lính Hoàng Sa” xưa trước khi đội lên đường làm nhiệm vụ được làng tổ chức tại đình để tiễn đưa, với mong muốn được thần linh trên biển bảo vệ cho họ được bình an trở về. Theo quan niệm của họ thì đội Hoàng Sa khi làm nhiện vụ trên biển luôn gặp nhiều rủi ro và thường chỉ có đi mà không có về nên trong buổi tế người ta làm những hình người bằng khung tre và dán giấy ngũ sắc, làm thuyền bằng thân cây chuối đặt hình nộm lên để làm giả những đội binh thuyền Hoàng Sa đem tế tại đình, tế xong đem thả ra biển, với mong muốn đội thuyền kia sẽ chịu mọi rủi ro thay cho những người lính của đội Hoàng Sa và tạo niềm tin và ý chí cho người lính làm hoàn thành nhiệm vụ theo lệnh vua sai phái. Hiện nay Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được nhân dân địa phương tổ chức thường niên tại đình làng An Vĩnh vào ngày 15-16/3 al, để tưởng nhớ, tri ân Đội hùng binh Hoàng Sa xưa và trở thành một lễ hội truyền thống mang đậm nét nhân văn của nhân dân Lý Sơn.

Đình An Vĩnh tọa lạc ở thôn Đông, xã An Vĩnh. Phía trước đình làng là Bến Đình, nơi xuất bến của đội Hoàng Sa đi bảo vệ, khai thác sản vật trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo lệnh triều đình. Theo một số tư liệu cho biết đình An Vĩnh được xây dựng vào năm Mậu Ngọ (1798) và do Hội nghĩa hầu Võ Văn Khiết – cai đội Hoàng Sa đứng ra vận động nhân dân xây dựng ngôi đình và làm cai đình. Theo các cụ cao niên trong làng thì đình làng An Vĩnh xưa được nhân dân xây dựng có quy mô lớn, gồm đình trung, đình thượng và đình hạ.  Mãi đến năm 1953, ngôi đình bị Pháp thả bom làm sập mái trước, sắc phong bị cháy. Năm 1957, ngôi đình bị sụp đỗ hoàn toàn. Sau khi ngôi đình bị sụp đỗ, nhân dân làng An Vĩnh đã xây dựng nhà thờ tiền hiền để thờ các vị tiên công. Đến năm 2009, trên nền móng cũ và khảo sát nghiên cứu kiến trúc của ngôi đình An Vĩnh xưa,  Nhà nước đã đầu tư kinh phí để trùng tu, phục dựng làm nơi thờ cúng thành hoàng làng và các vị cai đội và binh phu Hoàng Sa và làm nơi tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. 

Bố cục kiến trúc từ ngoài đi vào đình An Vĩnh gồm: Bình phong trụ biểu. Bình phong đình làng đắp theo kiểu “tiền long hậu hổ”. Ngôi đình có kiến trúc chữ Tam gồm ba toàn nhà, gọi là: Đình hạ, đình trung và đình thượng, được liên kết trong một tổng thể đặt trên trục thần đạo.  

Đình hạ:  Không gian kiến trúc của đình hạ có 30 cột chia làm ba gian thờ. Đình hạ có bốn bộ vì kèo trụ tiêu áp quả đế con tôm. Hàng cột hiên được xây bằng gạch, gồm sáu cột trang trí đắp nổi rồng cuộn, hai cột đầu mái hiên có dáng hình vuông, đế cột đặt trên lưng hai con Nghê quay đầu về phía trước chánh điện. Hệ thống bảng lồng được trang trí chạm khắc. Bên trong nội thất đình hạ, chính giữa treo bức hoành phi “An Vĩnh Đình” và hai liễn đối chữ Hán “Ân đức dựng xây miền đảo Lý/Nghĩa tình bồi đắp dải Hoàng Sa” được sơn son thếp vàng. Mái lợp ngói âm dương, đỉnh mái trang trí lưỡng long tranh châu, bờ mái đầu hồi trang trí đắp nổi long phượng triều qui. Hai đầu hồi đình hạ trang trí hình con dơi đắp nổi. 

Đình trung: Đình trung liên kết với đình hạ bằng hệ thống máng xối, ở hai đầu máng xối trang trí đầu cá chép. Mặt bằng kiến trúc đình trung gồm 24 cột, có bốn bộ vì kèo trụ tiêu áp quả đế con tôm. Về kiến trúc của đình trung giống như đình hạ. Gian gữa đặt 1 hương án thờ hội đồng, 2 bên có 04 các ban thờ, gồm: 02 ban thờ tiền hiền, hậu hiền và 02 ban thờ các vị cai đội và binh phu Hoàng Sa. 

Đình thượng: Đình thượng gọi là hậu cung, liên kết với đình trung cũng bằng máng xối, hai đầu máng xối trang trí đầu cá chép. Đình thượng được xây hoàn toàn bằng gạch, vôi vữa chứ không còn kiến trúc gỗ. Phần vách trước đình thượng là bộ cửa bàn khoa, hai bên hông vách được trổ hai cửa nhỏ để thông thoáng bên trong. Đình thượng có kết cấu tám mái theo kiểu kiến trúc mái cắt chồng cổ diêm, tạo thành bốn mặt trang trí. Nội thất thờ thần và có bài vị, hai bên thờ tả ban, hữu ban, các gian đều có đôi câu đối chữ Hán. 

Trong không gian liền kề đình làng còn có nhà thờ tiền hiền (thờ sáu vị tiền hiền mở đất làng An Vĩnh) và Lăng chánh (thờ cá Ông); cách đình về phía đông có chùa Vĩnh Ân, tạo thành một quần thể kiến trúc tín ngưỡng và trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân xã An Vĩnh.

Đình làng An Vĩnh được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 2013. Hằng năm tại đình làng An Vĩnh nhân dân tổ chức nhiều sinh hoạt tín ngưỡng lễ hội như: Lễ hội đua thuyền tứ linh đầu năm từ ngày mùng 4 – 7 tháng Giêng, lễ tế xuân thu nhị kỳ, lễ động thổ đầu năm… đặc biệt là lễ khao lề thế lính Hoàng Sa vào ngày 15 – 16 tháng Ba âm lịch – đây là một lễ hội truyền thống mang ý nghĩa lịch sử và nhân văn sâu sắc, góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

2.3. ĐÌNH LÀNG AN HẢI:

Đình làng An Hải nằm ở giữa xóm Trung Yên và Trung Hoà, xã An Hải, đình được xây dựng vào năm Minh Mạng nguyên niên 1820, do 7 tộc họ tiền hiền khai phá làng An Hải và dân làng cùng góp công của để tạo dựng. Đây là công trình kiến trúc cổ đặc sắc mang tính nghệ thuật chạm khắc hết sức có giá trị, phục vụ cho sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh của nhân dân làng An Hải .

Đình làng An Hải là một trong rất ít những công trình kiến trúc cổ có niên đại xây dựng sớm còn sót lại của tỉnh Quảng Ngãi. Trong nội thất của Đình làng thờ Tam hoàng ngũ đế (Tam phủ), Ngũ vị tiên nương (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ), Tiền hiền, hậu hiền; Tiền vãn, hậu vãn và thờ cô hồn.

Đình làng An Hải mặt chính diện quay về hướng Đông nam, tổng thể kiến trúc ngôi đình được xây dựng theo hình chữ Tam, gồm tiền đường, chánh điện và hậu cung mà dân gian quen gọi là đình hạ, đình trung và đình thượng. Đình làng An Hải đã trải qua 6 lần trùng tu (năm 1926, 1938, 1943, 1974, 2001, 2007).  Lần trùng tu vào năm 1943 là lớn nhất, đã trùng tu và tôn tạo hoành tráng qui mô đình trung và đình hạ, đem lại cho ngôi đình làng có dáng vẻ bề thế như hiện nay.

Đình hạ (tiền đường):

        Gồm 18 cột chia làm 3 gian 2 chái. Cấu kết bộ khung gỗ của nhà tiền đường gồm 4 vì kèo trụ chống cánh dơi, các kèo xuôi qua các dầu cột đỡ hệ thống đòn tay mái và thượng lương. .

Mặt trính đỡ trụ chồng, đế và trụ chồng tạo tác theo mô típ hình “chày cối” đầu trên choãi cánh dơi. Theo quan niệm tín ngưỡng dân gian, cánh dơi nhằm đỡ 2 kéo mái ở hai bên, đồng thời giúp cho đầu trụ chồng không đụng vào ở đỉnh kèo (mặt dưới của thượng lương) để tránh sự xui rủi. Bề mặt của đầu kèo và đuôi kèo được trang trí bằng các đường gờ chồng xếp và các mô típ dây leo thực vật tạo nên vẻ đẹp riêng và sự nhẹ nhàng của tổng thể công trình. Các kèo mái hiên nối tiếp với kèo giữa, xuyên qua đầu cột vách và gác qua đầu cột hiên nhằm đỡ phần mái hiên. Bề mặt của đầu kèo hiên cũng được trang trí mô típ dây leo hết sức công phu, tỉ mỉ. 

Hàng cột hiên ở mặt tiền của đình hạ được xây dựng bằng gạch, gồm có 6 cột, mô típ xây dựng các cột giống nhau theo cặp đối xứng: hai cột đối xứng tiếp theo cũng xây bằng gạch, trụ tròn có đắp nổi 2 câu đối. Hai cột ở hai đầu hiên chái, kiểu dáng trụ vuông, phần đế cột đặt trên lưng hai con nghê quay đầu vào nhau.  Mô thức đôi Nghê đỡ trụ đình chầu nhau là kiểu mô thức ít thấy xuất hiện trong kiến trúc đình, chùa Việt Nam. Đôi nghê được tạo dáng với các mảng khối sinh động. Thân nghê ghép sành sứ, phần đầu nghê mắt, mũi và răng đều lộ, tai vểnh, bờm tóc dựng đứng trông rất dữ tợn.

Phần mái của đình hạ được lợp ngói đất, đỉnh bờ mái trang trí biểu tượng mặt trời (ở giữa) và hai rồng chầu 2 bên theo kiểu “lưỡng long triều nhật”. Hai đầu của đầu hồi nhà tiền đường đắp nổi mặt long phù. Bờ mái của đầu hồi trang trí rồng, phượng kiểu mô típ “long phụng triều qui”. Đầu góc bờ mái trang trí cá chép hóa rồng.

Mặt bằng của đình hạ có chiều ngang là 9,4m, chiều dài là 12,7m, diện tích 119,38m2. Tòan bộ hệ thống cửa đình hạ là cửa bàn khoa. Tại phần trên của đỉnh cửa được trang trí 6 mắt cửa. Mắt cửa có 2 tác dụng là phần bên trong nhà là chốt tra, phía bên ngoài được trang trí theo mô típ hoa cúc. Trang trí mắt cửa ở đây thể hiện quan niệm tín ngưỡng về việc xua tan âm khí, trừ tà, cầu mong sự  bình yên trong cộng đồng. Trong nội thất của nhà tiền đường đặt các ban thờ thập loại cô hồn và là nơi đặt long đình dùng rước thần trong các dịp tế tễ và bức hoành phi chữ Hán “An Hải đình”. Ngoài ra tại đình hạ còn có nhiều câu đối của tiền nhơn để lại, trong đó có câu đối thể hiện khác vọng đỗ đạt trong thi cử của con em trên đảo “Lý Sơn khai bút mạch/An Hải hội tài nguyên

Đình trung (chánh điện):

Đình trung hay còn gọi là chánh điện. Mặt bằng của đình trung gồm có 16 cột làm thành 4 hàng: 2 hàng cột lớn ở giữa để đỡ bộ vì kèo cửa khung nhà, hai hàng cột phụ ở hai bên mái có chức năng là cột hiên.

Kết cấu kiến trúc của đình trung chia thành một gian hai chái. Khung gỗ gồm ba bộ vì kèo với kiểu trụ chồng “chày cối đầu choãi cánh dơi”. Cánh dơi và đáy trụ chồng được tạo dáng đẹp, cân đối, nhẹ nhàng. Các liên kết trính, xiên (hoành), kèo với đầu cột chính đều được người thợ thực hiện theo phương pháp xuyên chốt mộng, tạo thành bộ khung nhà hết sức chắc chắn. Tại hai đầu hồi của đình trung, hai bên có hai kỳ lân chầu, tượng trưng cho sự vững bền. Tại phần đỉnh bờ mái được trang trí theo mô típ “lưỡng long triều nhật”. Tại 2 đầu hồi của mái đình trung đắp nổi hình “hổ phù”.

    Nội thất đình trung đặt các ban thờ: Tam hoàng ngũ đế, tiền hiền, hậu hiền và tiền vãn, hậu vãn. 

Đình thượng (hậu cung):

Đình thượng tức là nhà hậu cung liên kết với đình trung bằng một máng xối. Về kiến trúc thì đình thượng không còn kiến trúc gỗ mà được xây dựng hoàn toàn bằng hợp chất vôi vữa trộn với cát. Mái của đình thượng có kiến trúc theo mô típ cắt mái chồng cổ diêm. Mái trên và mái dưới được lợp ngói âm dương. Phần cổ diêm được chia làm 4 mặt, mỗi mặt được trang trí đắp nổi theo nhiều đề tài như:  mai điểu, hoa, … Đỉnh bờ mái của đình thượng được trang trí lưỡng long chầu vào bình hồ lô; bốn góc mái trên trang trí chim phượng, 4 góc mái dưới trang trí rồng đắp nổi. 

Trong khu vực Đình An Hải hiện nay còn có nhiều di tích tín ngưỡng có giá trị văn hóa và ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của nhân dân trong làng như: nghĩa tự, nhà thờ tiền hiền, miếu Thành Hoàng và miếu Thổ Thần. 

Đình làng An Hải là di tích kiến trúc tín ngưỡng tiêu biểu nhất trong hệ thống kiến trúc tín ngưỡng trên đảo Lý Sơn. Nghệ thuật trang trí của đình làng An Hải thể hiện quan niệm về sự quân bình âm dương, mong muốn về sự trường tồn vĩnh cửu. Chúng ta sẽ bắt gặp khá phổ biển các mô típ  trang trí “lưỡng long triều nhật”, “long phụng triều qui”, “ngũ phúc” … tại đình làng An Hải  tại các lăng miếu trên đảo Lý Sơn, qua đó cho thấy giá trị và ảnh hưởng của nghệ thuật kiến trúc và trang trí của đình làng An Hải đối với các di tích tín ngưỡng trên đảo Lý Sơn. Đặc biệt mô típ tượng đôi Nghê gắn với cột đình chầu vào nhau theo thế âm dương là mô thức ít thấy trong các kiến trúc của đình, chùa Việt Nam. Di tích đình An Hải được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích Kiến trúc nghệ thuật Quốc gia, tại Quyết định số 985 – QĐ/VH ngày 7/5/1997.

Hằng năm tại đình làng An Hải nhân dân tổ chức nhiều sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội mang đậm nét văn hóa truyền thống của cư dân nông nghiệp như: lễ động thổ, Hội dồi bòng, đô vật, lễ tế tiền hiền, lễ hội đua thuyền tứ linh đầu năm, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa… phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân và giữ gìn nét nét văn hóa của một làng quê hải đảo giàu bản sắc.  

2.4. ÂM LINH TỰ (Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia). 

Thờ cúng âm hồn là tín ngưỡng dân gian khá phổ biến của người Việt ở Quảng Ngãi. Tuy nhiên do quan niệm khác nhau mà ở từng địa phương có những hình thức, lễ nghi thờ cúng cũng không giống nhau. Đối với Lý Sơn tục thờ cúng cô hồn thể hiện khá rõ nét, biểu hiện ở sự tồn tại nhiều nghĩa tự và nghi lễ thờ cúng hằng năm được tổ chức trang trọng tại các thôn, xã trên huyện Lý Sơn.

Lý Sơn có 2 xã, mỗi xã có 2 nghĩa tự, nhân dân địa phương thường gọi là âm linh tự và chùa âm hồn, trong đó sự phân bố bệ thờ khá giống nhau, bao gồm: Ban giữa thờ thần: Chúa chưởng ôn hoàng, ban bên phải thờ thần ASát Đế mẫu, bên trái thờ thần Diệm khẩu quỷ vương, tất cả gọi là Tam vị thần tiên (tước gọi là Đoan Túc Dực bảo trung hưng trung đẳng thần). Phía bên ngoài, 2 bên là 2 ban thờ: Thành hoàng bổn xứ, tiền hiền khai khẩn và chính giữa là Long đình thờ Hội đồng, trước mặt chính diện nghĩa tự  là bức bình phong và 2 trụ biểu. 

Âm linh tự (hay còn gọi là Lân Vĩnh Lợi) – nơi thờ cô hồn và phối thờ lính Hoàng Sa, thuộc thôn Tây, xã An Vĩnh. Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng thì Âm linh tự được xây dựng vào giữa thế kỷ XVII. Đến thời vua Gia Long (1802-1820), Âm linh tự được tu bổ lần đầu, xây dựng khung mái che bằng gỗ, mái lợp bằng tranh và xây dựng bên cạnh phía tây Âm linh tự đền thờ thần Thượng Thiên – vị thần cai quản cô hồn và đem lại sự bình yên cho xóm làng. Đến năm 1883, Âm linh tự được tu bổ lần thứ hai. Trong lần tu bổ này, toàn bộ Âm linh tự được lợp bằng ngói âm dương, bộ khung nhà được thay bằng hệ thống kèo cột vững chắc. Năm 1956, Âm linh tự được tu bổ nhà tiền đường, xây dựng hệ thống cửa vòm và trang trí bờ nóc, bờ mái nhiều chủ đề phong phú như hiện nay. Đến năm 1996, Âm linh tự được tiếp tục tu bổ, sửa chữa đền thờ Thượng Thiên, tạo thành một di tích tín ngưỡng  trang nghiêm như ngày nay.

  Âm linh tự được xây dựng theo kiểu kiến trúc hình chữ “công”, chính giữa là nơi thờ chính, bên trái là điện thờ thần Thượng Thiên, bên phải là nhà để chuẩn bị vật phẩm cúng tế. Trước sân âm linh tự là tháp thờ ghi 4 chữ “chiến sĩ trận vong”, nhằm tưởng nhớ đến những người lính đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trên quần đảo Hoàng Sa xưa, tiếp đến là bình phong và 2 trụ biểu trên đặt 2 con kỳ lân. Bên ngoài cùng là cổng ra vào đắp nổi 3 chữ Hán “Âm linh tự”, đỉnh trên vòm cổng là 2 con rồng chầu quả châu được đắp nổi với những màu sắc sặc sỡ hết sức sinh động, 2 bên cổng là 2 con kỳ lân.

Nhà Tiền đường:  Tại nhà tiền đường có 2 ban thờ Hồn mai và Phách quế nằm đối nhau ở 2 đầu vách phía tây và đông . Tại nhà tiền đường có nhiều câu đối  bằng chữ Hán ca ngợi anh linh, khí phách của những vong hồn hy sinh vì đại nghĩa.

Nhà Chánh điện: Nhà chánh điện gồm 3 vòm cửa được trang trí hết sức tinh xảo. Trên đỉnh trụ cửa áp tường trang trí hình lưỡng long tranh châu. Nhà chánh điện là nơi đặt các ban thờ chính. Tại nhà chánh điện mỗi một ban thờ được xây dựng trang trí như một dinh thờ thu nhỏ với đầy đủ kiểu nóc mái uốn cong, trên nóc trang trí hình lưỡng long tranh châu… . Trong các ban thờ tại nhà chánh điện của thì Long Đình được xây trên bệ thờ, bao gồm 4 cột chống đỡ mái che khá vững chắc. 4 cột của long đình được đắp nổi 4 con rồng quấn quanh thân cột hết sức sinh động, mái của long đình được chia làm 4 mái với 4 góc mái uốn cong chầu nậm rượu được đặt chính giữa nóc mái. Long đình được trang trí nhiều hoa văn, với nhiều màu sắc sặc sỡ tạo nên sự trang nghiêm của điện thờ.

Nhà chánh điện kết cấu kiến trúc 1 gian 2 chái. Hệ thống cột đã chia không gian thờ phụng của nhà chánh điện thành 3 gian. Gian giữa có án thờ thần, hai bên thờ tả ban và hữu ban. Các án thờ thần, tả ban, hữu ban đều có tạo mái như một am thờ nhỏ, góc mái am thờ trang trí rồng, cuốn thư, ngũ quả và gắn hoành phi trước án thờ. Trong hệ thống cột tại nhà chính điện đều gắn liễn đối cẩn xà cừ rất trang nghiêm. Các câu đối có nội dung ca ngợi vẻ đẹp phong cảnh, ca ngợi công lao của tổ tiên khai phá lập làng, đồng thờ thể hiện ước mong về một cuộc sống yên bình cho nhân dân trong làng. 

Mỹ thuật trang trí bên trong và bên ngoài của Âm linh tự theo 3 dạng: tạo khối, đắp nổi và vẽ sơn, theo các chủ đề: tứ linh, tứ quý, bát bảo, sơn thủy tùng đình, triền chi, lưỡng long tranh châu… các chủ đề trên được trang trí trên các đỉnh cửa, bờ nóc mái… Đặc biệt mô típ trang trí hình con nghê, lưỡng long, triền chi, hoa cúc trên đỉnh cửa trong nhà chính điện rất sống động.  Trên bờ mái nhà chính điện trang trí lưỡng long tranh châu, hai đầu hồi đắp nổi mô tiếp ngũ phúc và mân ngũ quả.

Đền thờ thần Thượng Thiên: gồm 1 gian, phía trên có hoành phi “Vĩnh thượng tự”, trong nhà, giữa có ban thờ thần Thượng thiên, hai bên đặt ban thờ tả ban và hữu ban.

Khu vực sân trước đền Âm linh tự là bình phong, ngoài bình phong là tháp thờ “Chiến sỹ trận vong” – tưởng nhớ những chiến sỹ trong đội Hoàng Sa và Trường Sa đã hy sinh trên biển. 

Với lối kiến trúc thờ tự cô hồn tại Âm linh tự, có thể khẳng định, đây là một di tích kiến trúc tín ngưỡng khá độc đáo, nó không chỉ đơn thuần làm chức năng cúng tế cô hồn trong dịp thanh minh hàng năm như những nơi khác mà còn thực hiện nhiều chức năng khác như cúng cầu an, cầu mùa, cúng tế trong các dịp xuân thu nhị kỳ, trong các ngày tết… thực hiện chức năng tín ngưỡng như một dinh thờ thần chung của nhân dân trong một xóm. Đặc biệt Âm linh tự còn là nơi phối thờ các chiến sỹ Hoàng Sa, và hằng năm tại đây tổ chức nhiều sinh họat tế lễ trong đó có gắn với lễ tế lính Hoàng Sa vào dịp thanh minh của làng cho thấy đây là quần thể di tích kiến trúc tín ngưỡng có giá trị và là di tích lịch sử gắn liền với tâm thức của nhân dân Lý Sơn về Đội Hoàng Sa và Trường Sa.

Di tích Âm Linh Tự đã được Bộ Văn hoá Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia tại Quyết định số 41/2007/QĐ-VHTT ngày 3 tháng 8 năm 2007.

 2.5. DINH TAM TÒA (Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh).   Dinh được xây dựng trong khoảng thời gian triều vua Gia Long (1802-1820). Vị trí dinh nằm ở thôn Tây, xã An Hải, trên bờ biển đẹp, gắn với thắng cảnh Hang Cò. Dinh được bao bọc bởi bờ thành bằng đá và tán cây cổ thụ bao phủ. Đây là di tích tín ngưỡng – là trung tâm sinh họat tín ngưỡng của nhân dân xóm Tây, xã An Hải.

Dinh Tam Tòa thờ các vị thần Thủy Long thần nữ,  Bạch Mã Thái giám và Hồng nương chúa động. Về không gian cảnh quan của dinh Tam Tòa rất đẹp, người xưa chọn nơi xây dinh theo thuật phong thủy “tả thanh long, hữu bạch hổ, tiền án hậu chẩm”. Dinh lấy bàn than nổi trước dinh và vách núi Hang Cò làm minh đường, lấy đồi đất cao phía đông làm “tả thanh long” và dãi cồn đất cao phía tây làm “hữu bạch hổ”, “hậu chẩm” là núi Thới Lới. Xung quanh di tích có nhiều cây cổ thụ, tán cây bao trùm cả di tích.

Dinh Tam Tòa có kết cấu kiến trúc theo hình chữ Đinh, gồm nhà tiền tế và hậu cung. Bao quanh dinh có tường đá bảo vệ. Cổng tam quan của dinh được xây dựng cao lớn, gồm 2 tầng, một cửa chính và đắp nổi nhiều hình “giao long” rất sinh động – đây là cổng tam quan khá độc đáo và duy nhất hiện có tại các cơ sở tín ngưỡng trên đảo Lý Sơn. Đi qua cổng chính là đến bình phong đắp nổi long mã, hai bên là hai trụ biểu, qua quãng sân rộng là đến nhà chính. Trên bờ mái của nhà tiền tế và hậu cung đều được trang trí và đắp nổi các con vật tứ linh: long, ly, quy, phượng. Các đầu đao có đắp nổi hình giao long và trên đỉnh mái đắp nổi “lưỡng long tranh châu”.

Nhà Chánh điện có 24 cột, trong đó có 4 cột cái và 18 cột quân. Hệ thống cột đỡ bốn bộ vì kèo và chia lòng nhà thành 3 gian. Gian giữa đặt án thờ, ngai thờ, lỗ bộ. Gian bên tả thờ Thành hoàng bổn cảnh. Gian bên hữu thờ tiền hiền, hậu hiền. Ngoài hiên nhà tiền tế có 6 cột được dựng bằng chất liệu ximăng,  được trang trí bằng hoa dây thực vật, đắp nổi rồng quấn quanh thân cột… Hậu cung hay còn gọi là hậu tẩm diện tích bị thu hẹp để tạo sự linh thiêng, cửa dạng vòm cuốn, vách đắp vôi tam hợp. Mái hậu cung cắt cổ diêm, được tạo thành 8 mái và được trang trí đắp nổi các chủ đề rồng, phượng, hoa mai, điểu… Bên trong nhà hậu cung có 3 gian thờ: gian giữa thờ Bạch mã Thái giám, gian hữu thờ Thủy Long công chúa, gian tả thờ chư vị Ngũ hành.

Ngoài ra, trong dinh Tam Tòa có nhiều liễn đối và nhiều hoành phi cẩn xà cừ rất đẹp. Tại các ban thờ được trang trí thâm nghiêm, gồm có tam đồng, bình sành sứ, ngựa gỗ và  bộ lỗ bộ (thập bát ban võ nghệ).

Nhìn chung không gian kiến trúc dinh Tam Tòa vẫn còn giữ dáng vẻ kiến trúc cổ xưa. Tiền sảnh có hệ thống cửa bàn khoa được chạm khắc rất tinh xảo. Không gian nhà tiền tế có hàng cột làm bằng gỗ mít được trau chuốt đẹp đẽ, các con đội được trang trí phần đế và phần đỡ thượng lượng được tạo dáng theo kiểu cánh dơi. Nhà hậu cung được xây cao và được trang trí sinh động với các chủ đề tứ linh, dây leo thực vật, … 

Dinh Tam Tòa là di tích tín ngưỡng dân gian, nơi tổ chức các sinh họat tín ngưỡng – lễ hội của nhân dân xóm Tây, xã An Hải, gắn với sinh họat lễ hội đua thuyền truyền thống và các lễ cầu mùa, cầu an với mong muốn xóm làng bình an, mùa màng bội thu của cư dân nông nghiệp và cả ngư nghiệp. 

2.6. DINH BÀ (Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh):

Theo một số nhà nhiên cứu văn hóa dân dân cho biết đặc trưng nổi bật của tín ngưỡng thờ nữ thần ở Lý Sơn đó là sự hiện diện khá nhiều các vị nữ thần của người Chăm, như: nữ thần Thiên Yana, Thuỷ Long thần nữ, Bà chúa Yàng, Bà Chúa Lồi, chúa đất Ngu Man Nương. Theo giải thích của một số nhà nghiên cứu, bà chúa Yàng (hay còn gọi là Trời) có thể cũng là bà Thiên Yana vì Thiên Yana còn có tên gọi là Bà Trời. Qua đó  khẳng định các vị nữ thần của người Chăm đã được người Việt trên đảo tiếp nhận, tôn vinh, thờ phụng để cầu mong các vị nữ thần giúp đỡ họ được bình an như những vị nữ thần của người Việt.

Dinh Bà, dân gian thường gọi là dinh Bà Trời (thờ nữ thần Thiên y a na), được xây dựng trên một gò đất cao thuộc xóm Trung Yên, thôn Đông, xã An Hải. Nơi đây xưa là một vùng gò đồi với nhiều cây cổ thụ to lớn, cành lá xum xê, nhân dân thường gọi là rừng Dinh. Hiện tại xung quanh Dinh vẫn còn nhiều cây sợp cao hàng chục mét, tỏa bóng mát cả một vùng. Qua khảo sát cho thấy dinh Bà ở xóm Trung Yên nguyên thủy là nơi thờ nữ thần Thiên y a na của người Chăm, sau đó người Việt ra định cư đã tiếp tục thờ cúng vị thần của người Chăm và sau này xây dựng dinh  thờ theo kiểu kiến trúc Việt. Xung quanh dinh Bà hiện nay vẫn còn tồn tại một số di tích của người Chămpa như: Giếng nước, miếu con Bò (hay còn gọi là miếu Bà chúa Lồi). Những di tích đó khẳng định người Chăm pa đã sống tập trung thành làng xóm và họ đã lập các miếu thờ, để thờ các vị thần của họ. Di tích miếu con Bò, cách dinh Bà khoảng 200m hiện tại chỉ còn phế tích. Nhưng người dân ở đây vẫn nhớ rất rõ vật thờ trong miếu là một con bò, vì vậy nhân dân thường gọi là miếu con bò. 

Dinh Bà được xây dựng từ thời gian nào đến nay vẫn chưa có tài liệu nào ghi chép. Tuy nhiên, căn cứ vào những đặc điểm di tích có thể khẳng định đây là một di tích thờ thần của người Chămpa, sau đó người Việt tu bổ, xây dựng có qui mô như hiện nay. Theo một số tài liệu ghi chép còn lưu giữ tại Dinh thì trước đây Dinh được lợp bằng tranh, đến năm Bảo Đại thứ 9 dân trong làng mới quyên góp tiền của và tiến hành sửa chữa trùng tu dinh. Đến năm Bảo Đại thứ 19 tiếp tục tu bổ như ngày nay. 

Dinh có kiến trúc hình chữ Tam (  ) chia làm 3 tòa: Tiền đường, chánh địên, hậu cung. Hậu cung là nơi thờ Thiên yana được xây bằng chất liệu vôi vữa tam hợp.  Kiến trúc bên ngoài cuả dinh là kiểu kiến trúc thời Nguyễn, thế kỷ 19. Nhà hậu cung có các đầu đao trang trí rồng, diềm mái lợp ngói ống, phần trên  cắt cổ diêm thành 4 mái; cổ diêm chia làm 4 mặt, mỗi mặt trang trí theo 3 ô hộc: ô hộc giữa là trang trí chính,là nơi thể hiện các chủ đề chính. Hai bên là 2 ô hộc phụ nhằm để minh họa phụ trợ cho ô hộc chính. 

      Mặt trước ô hộc chính trang trí đôi sóc vui đùa dưới gốc đào, hai bên ô hộc phụ trang trí hoa. Mặt thứ hai trang trí: Ô hộc chính trang trí chữ “thọ” đắp nổi, 2 ô hộc 2 bên trang trí đôi chim sẻ trên cành trúc và cành đào; mặt thứ 3: ô hộc chính trang trí sơn thủy và cành mai, ô hộc 2 bên trang trí chùm quả đào tiên. Ý nghĩa của  các chủ đề trang trí trên có ý nghiã cầu mong  phước, lộc, thọ trường tồn. Diềm của các ô hộc trang trí văn kỷ hà, đặc biệt nóc mái của cổ diêm được làm cong như một chiếc thuyền, ở 2 đầu mũi thuyền là 2 con rồng đang uốn mình bay lên (điểm giữa chiếc thuyền, trên đỉnh nóc cổ diêm, trang trí phụng đắp nổi, 2 bên là 2 con cá chép theo kiểu song ngư, đỉnh nóc cổ diêm trang trí “lưỡng long tranh châu”. Đây là mô típ trang trí phổ biến trong kiến trúc thời Nguyễn. 

Trước dinh có bình phong, trụ biểu, trên 2 trụ biểu có 2 con kỳ lân. Bình phong được đắp nổi 2 mặt: mặt ngoài là  hổ, mặt bên trong là long mã . Ngoài ra trước dinh còn có một con Nghê đá, tương truyền con nghê đá được người dân tìm thấy ngoài biển và mang về thờ tại dinh. Hiện tại ở Lý Sơn có 2 con nghê đá: 1 con được thờ ở dinh Bà và 1 con thờ ở chùa Vĩnh Ân, xã An Vĩnh, đây là 2 con Nghê đá  có niên đại  thời Minh (Trung Quốc).

Bên trong dinh được bố trí thờ phụng như sau: Tại hậu cung thờ tượng Bà ở giữa, 2 bên là tượng cô và cậu – đây là mô típ thờ thần Thiên Yana tại  các lăng thờ ở Lý Sơn và nhiều nơi khác. Tương truyền tượng bà Thiên Yana và tượng cô, cậu được làm bằng gỗ mít. Cây gỗ mít được một người dân ở Lý Sơn sau một thời gian tìm kiếm khắp nơi nhưng không tìm thấy đã được Bà báo mộng và tìm được ở xã Bình Hải (huyện Bình Sơn) mang về Lý Sơn và thuê thợ tạc tượng ở làng Kim Bồng (Hội An) tạo nên. Tượng Bà cao khoảng 0,5m, dáng ngồi và được đặt trên ngai thờ, đầu đội khăn xanh. Toàn bộ tượng Bà toát lên vẻ phúc hậu của một người phụ nữ Việt Nam. Trước tượng Bà có linh vị khắc chữ Hán: “Sắc hoằng huệ phổ tuế linh mặc tướng trang uy dực bảo trung hưng Thiên Yana diễn ngọc phi thượng đẳng thần“. Ngăn cách giữa chánh điện và hậu cung là hệ thống cửa gỗ, được trang trí chạm thủng với các chủ đề “lưỡng long tranh châu” và đôi voi. Đây là mô típ trang trí của người Chăm vì theo truyền thuyết Thiên Yana thường cưỡi voi. 

      Tại gian giữa chánh điện có bàn thờ và ngai thờ Bà, 2 bên là 2 ban thờ tiền hiền, hậu hiền; tại tiền đường các ban thờ được phân chia: giữa là ban thờ Bà, 2 bên đặt 2 con ngựa gỗ và 2 bộ lỗ bộ (thập bát ban võ nghệ),  2 bên đặt các ban thờ tiền vãng, hậu vãng, cô hồn. Mỗi ban thờ đều có đầy đủ đồ thờ tự như: bình phong, bộ tam đồng… Đặc biệt trong dinh có rất nhiều bức hoành phi và liễn đối. Tại tiền đường của dinh có treo 3 bức hoành phi đại tự chữ Hán: “Oai linh quán cổ”, “Thiên y linh thần”, “Thánh phi điện”; tại hậu cung có bức hoành phi “Thiên Yana”. Nhiều câu liễn đối ở tại tiền đường và chánh điện nội dung nói lên sự linh hiển của thần Thiên Yana và mong thần phù hộ cho nhân dân có cuộc sống thái bình, thịnh vượng. Nội dung một số câu đối: “Thần minh phổ tế hộ an dân/Linh trấn kim đài cư thượng cảnh”, “An hội thanh tâm duy đức thạnh/Báo phò xích tử hiển thần oai”, Thần oai hiển hách vĩnh thiên thu/Thánh đức chiếu chương thùy vạn cổ”.

Hàng năm, tại đền Thiên Y a na tổ chức các lễ chính như: Lễ vía bà, lễ xuống nghề, lễ hoàn nguyện, sinh hoạt tín ngưỡng liên quan đến lễ hội đua thuyền đầu năm của nhân dân xóm Trung Yên, làng An Hải.

2.7. ĐỈNH LIÊM TỰ

Tên dân gian gọi là chùa Đục, có lẽ do chùa được con người lợi dụng các hang núi tự nhiên sẵn có và “đục” cho lớn hơn để kiến tạo thành nơi thờ Phật và tu hành nên gọi là chùa Đục. 

Theo lời kể của nhân dân địa phương thì Chùa Đỉnh Liêm được tạo dựng vào năm 1962, do một vị sư có tên là Tuấn thuộc hệ phái Khất sỹ tạo dựng. Đến năm 1973, sư trụ trì chùa Đỉnh Liêm về xây dựng và trụ trì Tịnh xá Ngọc Đức (thôn Tây, xã Anh Vĩnh), nên một thời gian dài chùa bị bỏ hoang, không có người tu hành. Sau này một số đạo hữu trong làng tự khôi phục lại việc tu hành tại chùa và chùa Đỉnh Liêm trở thành một trong những ngôi chùa có nhiều đạo hữu và thu hút du khách viếng chùa khi đặt chân đến đảo Lý Sơn. 

Chùa nằm lơ lửng trên vách núi Giếng Tiền. Tương truyền ngày xưa nơi đây vốn là một hang cọp, sau này có một nhà sư lợi dụng lòng hang núi để mở rộng và kiến tạo nên chùa. Tuy nhiên do kiến tạo địa chất của vách núi lửa Giếng Tiền không bền vững, dễ bị tác động bào mòn của gió và nước, nên tạo nên hang động nhỏ, vì vậy khi chọn nơi tu hành, một nhà sư đã biến những hang động tự nhiên sẳn có và tác động thêm để mở rộng lòng hang làm nơi thờ Phật tu hành. Mặt chùa quay về hướng bắc nhìn ra biển cả mênh mông sóng nước, lưng chùa là hang núi ăn sâu vào vách núi Giếng Tiền, vốn là núi lửa đã tắt từ lâu, tạo thành hình lòng chảo rất đẹp, tạo thành một di sản thắng cảnh, địa chất núi lữa độc đáo của Lý Sơn. 

Muốn đến chùa Đỉnh Liêm người ta có thể theo một đường nhỏ được tạo thành bậc cấp từ chân núi đi lên chùa họăc men theo con đường sơn đạo từ cổng Tò Vò dưới chân núi Giếng Tiền men theo sườn núi là đến chùa Đục và vào lòng núi Giếng Tiền. 

Chùa Đục có diện tích khoảng 14m2, bên trong có bàn thờ  Phật Thích Ca, hai bên tả và hữu vách núi được đục lõm vào để lập án thờ và nhà ở vị sư trụ trì. Để có nước dùng cho sinh hoạt, phía bên trong hang người ta xây một bể chứa  hứng nước rỏ từ vách vách hang xuống. Bên dưới chùa, nằm trên con đường giật cấp từ chân núi để lên chùa có một tượng Phật bà Quan âm rất lớn, có chiều cao chừng 25m, mặt nhìn ra phía biển được xây dựng vào năm 2007. Chếch về phía bắc dưới chân núi Giếng Tiền và chùa Đục là một thác nước nhỏ, nước được chảy ra từ lòng núi Giếng Tiền, đổ xuống vách núi thẳng đứng có độ cao hơn 10 m, tạo nên một thắng cảnh thiên nhiên độc đáo.

Do vị trí chùa nằm lưng chừng trên vách núi Giếng Tiền và gần lòng chảo của núi lửa Giếng Tiền, phía bắc chùa là ngọn meo cao sừng sững – một phần của vách núi Giếng tiền và dòng thác  đã tạo nên một cảnh quan hùng vĩ và thơ mộng cho toàn khu vực chùa Đỉnh Liêm, là điểm tham quan du lịch của du khách khi đến Lý Sơn.

2.8 NHÀ THỜ CAI ĐỘI HOÀNG SA PHẠM QUANG ẢNH

Về sự hình thành và hoạt động của đội Hoàng Sa trong lịch sử sách Phủ biên tạp lục của nhà bác học Lê Qúy Đôn khi đang giữ chức Hiệp trấn Thuận Hóa năm 1776, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú và Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, đều có những dòng ghi chép khá cụ thể. Đặc biệt là ghi chép trong Phủ biên tạp lục của Lê Qúy Đôn: “Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng hai nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đấy tha hồ bắt chim cá mà ăn. Lấy được hóa vật của tàu, như gươm, tiền bạc, vòng bạc… Đến kỳ tháng 8 thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp”. 

Lịch sử bảo vệ chủ quyền suốt gần 3 thế kỷ (TK.XVII, XVIII và nữa đầu TK XIX) đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của dân tộc được viết bằng nhiều mồ hôi, máu và cả sinh mạng của nhiều thế hệ tráng đinh của 2 phường An Vĩnh và An Hải xưa. Họ thật sự là những anh hùng vô danh mãi mãi được lưu truyền trong tâm thức của người dân Lý Sơn hôm nay và mai sau. Dù đội Hoàng Sa – Bắc Hải đã chấm dứt hoạt động từ lâu, về mặt thời gian phải nhiều thế hệ đời người, nhưng hình ảnh về những người lính trong đội Hoàng Sa xưa vẫn tồn tại, hiển hiện rất rõ trong lòng của dân trên đảo Lý Sơn và trường tồn theo năm tháng bởi một dòng chảy văn hóa hết sức đặc sắc được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Có thể nhiều người dân ở Lý Sơn chưa bao giờ được đọc những dòng ghi chép về đội Hoàng Sa, nhưng họ vẫn biết cha ông họ một thời đã quên mình vì thực hiện sứ mệnh vua sai ra bảo vệ và khai thác sản vật ở Hoàng Sa, Trường Sa trong một điều kiện hết sức hiểm nguy luôn đối mặt với cái chết, bằng một dòng văn học dân gian truyền miệng và thông qua những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đặc sắc mang đậm nét nhân văn.

Đặc biệt nhân dân Lý Sơn hiện nay có nhiều di tích, nhà thờ các vị cai đội và chỉ huy Đội Hoàng Sa người Lý Sơn nổi tiếng như Cai đội Võ Văn Khiết, Võ Văn Phú, Võ Văn Hùng, Phạm Hữu Nhật, Phạm Quảng Ảnh…

Nhà thờ Cai đội Hoàng Sa Phạm Quang Ảnh: Ông là người ở làng An Vĩnh, được Vua Gia Long nhiều lần sai thống lĩnh đội Hoàng Sa ra do thám và đo đạt thủy trình ở quần đảo Hoàng Sa.  Trong thư tịch “Đại Nam thực lực chính biên” cho biết Phạm Quang Ảnh đã làm Đội trưởng Đội Hoàng Sa dưới triều Vua Gia Long (1802-1820). Trong thư tịch cho thấy trong 2 năm 1815, 1816 vua Gia Long đã sai Phạm Quang Ảnh dẫn Đội Hoàng Sa đến đo đạc thủy trình tại đảo Hoàng Sa. Sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ” chép “ tháng Giêng năm Ất Hợi (1815) (vua Gia Long) sai đội trưởng Phạm Quang Ảnh dẫn lính Hoàng Sa đến quần đảo Hoàng Sa để xem xét đo đạt thủy trình”. Tiếp đến năm 1816, Đội trưởng Phạm Quang Ảnh “Năm Bính Tý niên hiệu Gia Long thứ 15 (1816)… vua ra lệnh cho thủy quân và Đội Hoàng Sa đi thuyền ra Hoàng Sa đễ xem xét và đo đạt thủy trình” (Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ). Qua thư tịch ghi chép cho thấy, Phạm Quang Ảnh là người có công lớn trong việc thám hiểm và đo đạt thủy trình tại quần đảo Hoàng Sa. Hiện nay tại quần đảo Hoàng Sa có đảo mang tên ông, gọi là đảo Phạm Quảng Ảnh.  Những chuyến thám hiểm và đo đạt thuỷ trình tại quần đảo Hoàng Sa là cơ sở quan trọng để triều đình nhà Nguyễn xác định thủy trình từ đất liền đến quần đảo Hoàng nhằm thực hiện bảo vệ và khai thác sản vật cũng như khẳng định chủ quyền của dân tộc đối với quần đảo Hoàng Sa.

Mộ ông Phạm Quang Ảnh và mộ lính Hoàng Sa tại thôn Đông, xã An Vĩnh – đây là một ngôi mộ gió, không có di cốt, nằm ở phía tây nhà thờ ông. Tương truyền ông và những người lính trong Đội Hoàng Sa đều chết trên biển, nên người trong tộc họ làm mộ kiểu “chiêu hồn nhập cốt” theo phong tục của địa phương khi người chết mất xác. Hiện nay ông được con cháu thờ tại nhà thờ Phạm Quang (xóm Đông, xã An Vĩnh). Di tích nhà thờ ông được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

 Hàng năm, nhà thờ họ Phạm Quang tổ chức lễ cúng việc lề và tế lính để tưởng niệm những người trong họ tộc đi lính Hoàng Sa đã hy sinh, nghi lễ nhằm giáo dục cho con cháu đời đời noi gương các bậc tiền nhân đã quên mình trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

2.9. LÂN VĨNH LỘC (Di tích lịch sử cấp tỉnh):

Lân Vĩnh Lộc, nhân dân địa phương thường gọi miễu ông Dồi (thôn Đông, xã An Vĩnh) được xây dựng khá sớm, khoảng đầu thế kỷ XX. Ban đầu lân Vĩnh Lộc được làm bằng tranh tre, vách đất nhưng nhờ sự hưng công đóng góp của nhân dân địa phương và các lái (chủ ghe thuyền) đã trùng tu di tích khá bề thế như hiên nay. Lân có kiến trúc hình chữ tam, chia làm ba tòa nhà: tiền đường, chánh điện và hậu cung. Kỹ thuật xây dựng cũng theo mô típ truyền thống, công trình được kiến tạo bằng các bộ vì kèo, trụ chồng choãi cánh dơi kết hợp với nghệ thuật điêu khắc gỗ Long, Lân, Quy, Phụng và cách điệu trên các gian thờ gồm bao lam, hoành phi, liễn đối. Trang trí đắp nổi trên di tích có tứ linh Long, Lân, Quy, Phụng, tứ thời Mai Điểu, Trúc Tước, Tùng Lộc, Cúc Trĩ, tất cả đều là những hình tượng nghệ thuật của một công trình mang dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn, nên rất có giá trị. 

Thần chủ được thờ ở lân Vĩnh Lộc chính là thần Ngũ Hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ), 5 vị nữ thần của cư dân nông nghiệp. Tuy nhiên, trải qua thời gian, cộng đồng người Việt ở xóm Bến Đình tin rằng nữ thần Thiên Y A Na là vị thần có nhiều quyền lực hơn và có khả năng trấn áp các thế lực siêu nhiên gây bất ổn trong đời sống nên họ đã cung thỉnh vị nữ thần Thiên Y A Na tại dinh Bà Thiên Y A Na ở thôn Tây, làng An Vĩnh về đặt thờ ở hậu cung, đây chính là dạng thức phối thờ Thiên Y A Na rất độc đáo, họ mong rằng nữ thần Thiên Y A Na cùng với nữ thần Ngũ Hành sẽ phù hộ, độ trì cho dân làng trong cuộc sống bình an.

 Ngũ Hành tức là bà Kim, bà Mộc, bà Thổ, bà Thủy, bà Hỏa, dân gian gọi chung là bà Ngũ Hành, hay Ngũ Hành Thượng Giới. Ngũ Hành, theo quan niệm dân gian, liên quan tới mọi mặt của đời sống con người, không kể các nghành nghề như ngư nghiệp, nông nghiệp hay buôn bán, không kể cư dân ven biển, dọc ven sông hay vùng bán sơn địa. Tuy nhiên, miếu thờ riêng hay phối thờ thường tập trung ở ven biển, ven các lạch, cửa sông. Đặc biệt các làng làm nghề cá ven biển thì thờ nhiều hơn, với mong muốn các Bà sẽ phù hộ độ trì, tránh rủi ro, thiên tai dịch họa. Vì vậy, trong buổi đầu xây dựng vùng đất đảo Lý Sơn, các yếu tố tự nhiên Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ đã chi phối mọi mặt trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây rất sâu đậm. Chính sự linh ứng của thần Ngũ Hành mà các vua chúa triều Nguyễn đã sắc phong ngũ đức thánh phi tôn thần truyền cho nhân dân khắp nơi lập lân, miếu thờ. 

Theo lệ cổ truyền, cư dân xóm Bến Đình tổ chức tại lân Vĩnh Lộc các lễ chính theo âm lịch như: Ngày 24 tháng Chạp tế lễ dựng nêu, ngày mồng 3 tháng Giêng tế lễ động thổ, ngày 25 tháng 2 là lễ vía bà, ngày mồng 2 tháng 2 tế lễ cầu an, ngày mồng 2 tháng 5 tế lễ tiền hiền, ngày 19 tháng 10 tế lễ hoàn nguyện (lễ lên nghề) và lễ tết Nguyên đán (từ mồng 1 đến ngày mồng 7 âm lịch). Nhiệm vụ tổ chức tế lễ do ông chủ lân Vĩnh Lộc và ban tế tự đứng ra tổ chức và có sự tham gia của cồng đồng. Lân Vĩnh Lộc được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 2015.

2.10. LĂNG CHÁNH:

Trong các truyền thuyết của người Chămpa, cá Voi được xem là một vị thần có khả năng cứu người bị nạn trên biển. Trong truyền thuyết của người Việt, cá Voi có nguồn gốc từ mảnh áo cà sa của Phật Bà Quan Âm xé ra ném  xuống biển và hóa phép biến mảnh áo cà sa thành cá Ông. Sau đó lấy bộ xương cá Voi tặng cho cá Ông để có thân hình to lớn và cho cá Ông có phép thâu đường để bơi nhanh để cứu ngư dân gặp nạn trên biển. Như vậy trong truyền thuyết của người Việt và người Chăm có sự giống nhau trong yếu tố bái Vật Giáo, xem cá Voi là một vị thần và lập đền thờ để thờ cúng. Tại đảo Lý Sơn có 8 lăng thờ cá Ông, hầu như trong các lăng thờ đều có rất nhiều bộ xương cá Ông.

Trong quan niệm tín ngưỡng của cư dân biển, họ xem cá Ông là vị “phúc thần” bảo hộ cho sự bình yên ghe thuyền và tính mạng ngư dân  trên biển. Do vậy trong Vạn có quy định mà hầu như mọi ngư dân đều tự giác tuân theo đó là khi thấy cá Ông chết (gọi là đi tu) thì bằng mọi cách phải đưa vào bờ để làm lễ mai táng và xem đó là điềm may mắn và gửi gắm niềm hy vọng sẽ được Ông phò trì trong các chuyến đi đánh bắt hải sản trên biển.. Người phát hiện cá Ông chết đầu tiên được gọi là “trưởng tử”. Trưởng tử phải để tang trong 24 tháng, khi tế cúng cá Ông trong thời gian để tang Ông, chủ Vạn làm chủ tế, trưởng tử bịt khăn tang màu đỏ đứng hầu. Cá Ông được chôn từ 3 đến 7 năm, tùy theo cá to hay nhỏ, sau đó làm lễ “thượng ngọc cốt”, cải táng lấy xương đưa vào quan quách đem thờ trong lăng. Diễn trình lễ tế cúng cá Ông từ khi chết  đến khi cải táng giống như nghi lễ tế cúng của một con người. Các ngày kỵ của các lăng Cá Ông được lấy vào ngày khi cá Ông chết và được ngư dân đem chôn cất.

Thờ cúng cá Ông là một loại hình tín ngưỡng khá phổ biến của ngư dân ven biển miền Trung, tuy nhiên mỗi vùng, mỗi địa phương có những nét riêng biệt ở hình thức cúng tế, tổ chức sinh hoạt lễ hội hàng năm tại các lăng thờ cá Ông, tạo nên những nét đặc sắc riêng, phản ánh được ý niệm linh thiêng hóa cá Ông đối với đời sống của một cộng đồng cư dân. Đối với cư dân huyện đảo Lý Sơn,  thì tín ngưỡng thờ cúng cá Ông là một loại hình tín ngưỡng hết sức đặc trưng, nó thể hiện rõ nét và chi phối mạnh mẽ hoạt động sinh hoạt văn hóa tâm linh của tất cả cộng đồng cư dân sinh sống trên đảo. Và việc thờ cúng cá Ông là việc chung của cả cộng đồng.

Trong điều kiện sống môi trường biển đảo, bốn bề là biển cả, kinh tế biển với những phương tiện đánh bắt thô sơ luôn gặp bất trắc trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên, vì vậy người dân trên đảo tìm đến một điểm tựa tinh thần, một niềm tin tín ngưỡng để vững vàng trước những hiểm nguy trong quá trình mưu sinh trên biển cả. Và với niềm tin vào sức mạnh cứu rỗi của vị thần Nam Hải – cá Ông có thể ứng cứu thuyền bè khi gặp gió to sóng dữ, ngư dân vạn chài Lý Sơn đã xem cá Ông là vị “phúc thần” bản mệnh của họ.

Di tích lăng Chánh là Lăng thờ cá Ông chính của Vạn Vĩnh Thạnh (xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn), nằm ở xóm Bến Đình, thuộc thôn Đông, xã An Vĩnh. Theo ghi chép tài liệu còn lưu giữ tại lăng, thì lăng được xây dựng vào thời Minh Mạng và đã nhiều lần tu sửa. Lúc ban đầu kiến trúc lăng Chánh chỉ là vách đất, mái được lợp bằng tranh, đến năm Thành Thái mười lăm (1901), do mưa bảo làm sập lăng nên nhân dân đã làm đơn xin chính quyền xây lại lăng thờ. Nguyên văn đơn “…nguyên trước đây bổn ấp có thiết lập một tòa miếu bằng tranh tre để thờ đức ngư thần, ấp chúng tôi theo đó phụng tự, vào ngày tháng tám năm ngoái bị gió bão dữ dội, xoi phá trước sân, lỡ sạt thềm miếu. Ngày mùng bảy tháng này, vị linh thần miếu này ứng nhập vào đồng nhi, sức ấp chúng tôi đào dưới thềm miếu, biện được hình linh cốt lâu đời, bổn ấp chúng tôi rước linh cốt ấy vào miếu, sùng tu phụng thờ. Nay ấp chúng tôi đồng ưng tự xuất tiền nhà dựng miếu này, tìm mua ngói lợp lên để được sạch sẽ trang nhã… vì thế mong quan Huyện đường xét chiếu lời xin phê cho ấp chúng tôi làm bằng để sửa sang ngôi miếu...” (ngày 16 tháng 8 niên hiệu Thành Thái thứ mười lăm).  Năm 1997, lân Chánh được bổn Vạn đầu tư tôn tạo quy mô lớn và bề thế như hiện nay. Lân có kiến trúc hình chữ Tam (    ), gồm tiền đường, chánh điện và hậu cung. Tiền đường là nơi chuẩn bị hành lễ và hội họp bổn vạn, có 3 cửa vào, khuôn cửa cấu trúc dạng cửa bàn khoa. Chánh điện có 3 gian, với 4 hàng gỗ mít. Các chân cột đều kê đá, trên đầu 4 hàng cột đỡ xuyên trính và 4 vì kèo. Bộ vì kèo không trang trí, chỉ duy nhất con đội có trang trí phần đế và phần đầu đỡ thượng lương, được tạo dáng theo kiểu cánh dơi. Hậu cung được thu hẹp về diện tích, nhưng chiều cao được nâng lên theo kiểu cắt cổ diêm, tạo thành tám mái.

Trong Chánh điện, trên đỉnh có hoành phi sơn son thếp vàng có 4 chữ Hán “Đại càn quốc gia”. Không gian tờ tự chia làm 3 gian, gian giữa thờ thần, hai bên là hai gian thờ Quang Tiền và Vũ Hậu. Trong hậu cung có nhiều quách đựng xương cá Ông và 1 linh vị thần Nam Hải.

Phần mái của lăng Chánh lợp ngói bản, trên bờ mái, nóc mái, đầu hồi đều có đắp nổi rồng phượng rất sinh động. Phía ngoài lân là bình phong đắp nổi long mã và trụ biểu. Phía đông lân Chánh là miếu Bà Thuỷ (Thủy Long thần nữ) – vị thần cai quản sông nước.

Lăng Chánh là trung tâm tổ chức sinh họat lễ hội liên quan đến tín ngưỡng thờ cá Ông của cư dân ngư nghiệp Lý Sơn, như lễ xuống nghề của Vạn, lễ hoàn nguyện (lễ lên nghề), lễ mở cửa biển, lễ cầu mùa, lễ động thổ… Đặc biệt lăng Chánh năm trong quần thể di tích bao gồm đình làng An Vĩnh, chùa Vĩnh Ân và nhà thờ Tiền hiền đã góp phần tạo nên một quần thể di tích tín ngưỡng đặc biệt có giá trị trên đảo Lý Sơn.  

2.11. DI TÍCH LỊCH SỬ NHÀ PHA

Nhà Pha tọa lạc ở thôn Đông, xã An Hải, được thực dân Pháp xây dựng vào năm 1890 cùng với ngọn hải đăng (đèn biển). Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Nhà Pha từng ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử cách mạng quan trọng của Đảng bộ và nhân dân huyện đảo Lý Sơn và là nơi giam cầm, tra tấn nhiều chiến sỹ cách mạng và nhân dân trên đảo.

Năm 1930, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi ra đời đã phát động phong trào thành lập cơ sở tổ chức Đảng, lãnh đạo các cuộc mít tinh, biểu tình, rải truyền đơn, treo cờ Đảng trong toàn tỉnh. Ở Lý Sơn đã diễn ra sự kiện cắm cờ Đảng (Búa Liềm) trên đỉnh núi Thới Lới (xã An Hải) và trên núi Hòn Sỏi (xã An Vĩnh) vào tối ngày mồng 2 rạng sáng ngày mồng 3 tết Tân Mùi (1931).

Theo lệnh của Tòa liêm phóng mật thám Quảng Ngãi, chúng tiến hành truy lùng, bắt giam cán bộ và nhân dân tham gia phong trào cách mạng. Lúc đầu chúng bắt 51 người, số người bị bắt trên được đem về Nhà Pha để tra tấn, khủng bố nhằm truy lùng các đồng chí Đảng viên còn lại và cơ sở cách mạng của ta trên đảo. Sau đó, chúng đưa các đồng chí này về giam ở nhà lao Quán Lát (Mộ Đức) rồi đưa về huyện Bình Sơn để tiếp tục tra tấn, đánh đập tàn bạo. 

Dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng bộ địa phương, ngày 16 tháng 8 năm 1945, nhân dân Lý Sơn nổi dậy giành chính quyền . Tại Nhà Pha cờ đỏ búa liềm được kéo lên, báo hiệu cho phong trào cách mạng trên đảo đã thành công, chính quyền thuộc về tay nhân dân, hòa chung không khí ngày độc lập của đất nước.

Tháng 9 năm 1951, thực dân Pháp đã nổ súng tái chiếm đảo Lý Sơn. Sau khi thực dân Pháp chiếm đảo Lý Sơn, chúng đã sử dụng bọn phản động tay sai bắt giam cán bộ và nhân dân tham gia cách mạng. Hơn 120 người bị thực dân Pháp bắt đưa về Nhà Pha giam giữ, tra tấn khai thác thông tin, nhằm tiêu diệt cơ sở kháng chiến trên đảo. Sau thời gian tra tấn tại Nhà Pha, chúng thanh lọc một số người được cho là nòng cốt của cách mạng, giải về Đà Nẵng để tiếp tục cầm tù cán bộ kháng chiến. 

Đến cuối năm 1953, được sự giúp đỡ của phần tử phản động làm tay sai cho Pháp trên đảo Lý Sơn, thực dân Pháp đã bắt toàn bộ cán bộ kháng chiến cũ, một số ở Đà Nẵng mãn án về, một số lúc trước được chúng thả không giải đi Đà Nẵng, số người bị bắt về lên đến 100 người. Số người bị bắt cũng được đưa về Nhà Pha để khai thác, tra hỏi. Sau đó chúng đưa một số tù nhân xuống tàu ra Đà Nẵng, trên đường giải ra Đà Nẵng một số cán bộ cách mạng hy sinh, trong đó có ông Phạm Huấn (thầy Tư Huấn), người xã An Vĩnh. 

Trong thời kỳ Mỹ Ngụy,  tại di tích Nhà Pha, dưới sự chỉ đạo của chi bộ Đảng Lý Sơn nhân dân tổ chức các cuộc biểu tình kéo dài từ ấp Vĩnh Long đến trụ Nhà Pha, đấu tranh chính trị đòi quyền tự do dân chủ, tố cáo tội ác của bè lũ Mỹ – Ngụy, rải truyền đơn, nêu cao tinh thần, ý chí bất khuất của nhân dân đã đem lại một số thắng lợi quan trọng, góp phần cổ vũ mạnh mẽ tinh thần yêu nước của đồng bào ta trên đảo. 

Phía sau Nhà Pha là ngọn hải đăng đảo Lý Sơn hay còn gọi là đèn pha, ngọn hải đăng do thực dân Pháp xây dựng năm 1890 bằng chất liệu sắt, độ cao đèn tính từ mặt đất lên tầm 45m. 

 Đến năm 1982, cây đèn pha do thực dân Pháp xây dựng đã bị tháo dỡ, sau đó được xây dựng mới trên đỉnh núi Thới Lới nhưng không phù hợp nên sau này đưa về lại vị trí cũ như hiện nay. Đỉnh cột đèn là đèn báo tín hiệu, mầu ghi xám, loại đèn của Tây Ban Nha sản xuất, đèn sáng trắng chớp đơn chu kỳ 5 giây một lần. 

Năm 2000, cây đèn pha hiện nay được xây lại tại vị trí cây đèn cũ, hoàn thành và đưa vào sử dụng vào ngày 16 tháng 10 năm 2001. Cột đèn pha có tọa độ địa dư 109008’30” E và 15023’10” N, chiều cao 45m, tầm hiệu lực ánh sáng 21 hải lý. Đèn pha có tác dụng hướng dẫn cho các tàu thuyền hoạt động trong khu vực nhận biết được vị trí của mình và phương hướng hàng hải của tàu thuyền trong vùng biển Lý Sơn được an toàn. 

12. LỄ HỘI ĐUA THUYỀN TỨ LINH .

Lý Sơn có lệ cổ truyền

Hằng năm tết đến đua thuyền vui xuân.

Lễ hội đua thuyền là một lễ hội dân gian tiêu biểu, đặc sắc nhất ở Lý Sơn, nó ăn sâu trong tâm thức của người dân Lý Sơn như một tâm linh văn hoá mỗi dịp xuân về 

Hội đua thuyền là lễ hội lớn nhất trong năm của 2 xã An Hải và An Vĩnh và được nhân dân quan tâm đầu tư chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất cốt sao trong các ngày hội đua thuyền thì thuyền của xóm mình được về nhất. Xét về nguồn gốc thì hội đua thuyền là sinh hoạt phổ biến của cư dân sống ven sông nước và người dân tổ chức đua thuyền với mong muốn mùa màng sinh sôi, phát triển. Ở Lý Sơn lễ hội đua thuyền với ý nghĩa sâu xa là mong muốn cho mùa màng tươi tốt, dân an vật thịnh, nhưng nét khác biệt ở đây là quan niệm của người dân về mỗi thuyền đua, về ý nghĩa của cuộc đua và kết quả cuộc đua. Mỗi thuyền đua trước khi tham gia cuộc đua do làng tổ chức đều được nhân dân trong xóm cúng tế thần linh theo nghi thức riêng của từng lăng thờ của xóm đó. Lễ hội đua thuyền hằng năm tại đình làng, ngoài mục đích phục vụ nhu cầu vui chơi cho dân đảo trong dịp tết đến xuân về mà thiêng liêng hơn là trò diễn phục vụ  thần linh như một nghĩa cử tri ân tất cả các vị thần trong năm đã che chở, độ trì cho xóm làng bình an, mùa màng bội thu. Vì vậy, mỗi cuộc đua, tất cả các tay đua đều đem hết sức mình để tranh đua thứ hạng sao cho ghe của vị thần xóm mình được về nhất cuộc đua, nhưng thuyền nào về trước về sau theo quan niệm của họ đều do các vị thần sắp đặt nên họ chấp nhận và có những dự đoán cho một năm mới gắn liên với kết quả cuộc đua như năm mới nghề biển hay nghề nông được mùa, xóm làng bình yên hay gặp nhiều điều rủi ro, mưa thuận gió hòa hay bão tố liên miên…

Lễ hội đua thuyền đầu xuân ở Lý Sơn có từ lâu đời, sớm nhất cũng vào khoảng thời gian từ những thập niên 1820 khi mà công cuộc định cư trên đảo đã ổn định, các đơn vị hành chính được xác lập và cư dân trên đảo đã đông đúc. Dù xuất hiện sớm hay muộn nhưng hội đua thuyền ở Lý Sơn với những lễ nghi tín ngưỡng văn hóa cổ xưa đậm đà bản sắc dân tộc và thấm đượm tinh thần đạo lý dân tộc “ uống nước nhớ nhuồn” đã làm cho hội đua thuyền Lý Sơn mang đậm bản sắc văn hóa riêng của mình. Hằng năm cứ đến ngày mùng 4 tết nhân dân 2 xã An Hải, An Vĩnh tưng bừng mở hội đua thuyền tại đình làng của xã để tri ân các vị thần linh phù hộ cho dân làng bình an, mùa màng tươi tốt, được mùa. Đồng thời để tưởng nhớ các vị tiền hiền đã có công khẩn hoang định cư xây dựng cuộc sống lâu dài trên đảo cho con cháu hôm nay, và cũng là dịp rèn luyện, thi đố tài năng điều khiển ghe thuyền trên biển của các chàng trai trên đảo. Lý Sơn có 2 xã, mỗi xã có 4 thuyền đua, mỗi thuyền đua được mang tên một con vật trong tứ linh ( Long, Lân, Qui, Phụng) và được bàn tay tài hoa của người thợ trên đảo chạm khắc đầu, đuôi theo biểu tượng của các con vật tứ linh hết sức sinh động, làm cho người xem cảm nhận khi thuyền đang đua giống như những con vật tứ linh đang lướt nhẹ trên biển sóng bập bềnh. Các thuyền đua được đặt ở nơi lăng miếu để thờ cúng. Ở xã An Vĩnh, thuyền Long thờ ở lân An Hòa (xóm Đông), thuyền Phụng thờ tại lăn Tân Thành (xóm Tây), thuyền Lân thờ tại dinh Chàm (xóm Đông), thuyền Qui ở Âm linh tự (xóm Tây) . Ở xã An Hải, thuyền Long thờ ở dinh Bà chúa Yàng (xóm Đông), thuyền Lân thờ  ở dinh Bà Thủy Long (xóm Trung Hòa), thuyền Qui thờ ở dinh Bà Thiên y a na (xóm Trung Yên) và thuyền Phụng ở dinh Tam Tòa (xóm Tây). Thuyền đua dài từ 7- 8m, có dáng thon và nhẹ được người thợ khi đóng thuyền đã tính toán rất kỹ lưỡng sao khi đua thuyền lướt được nhanh để giành chiến thắng, đây cũng là yếu tố quan trọng quyết định sự thắng bại của cuộc đua. Thuyền đua được nhân dân đóng góp tiền thuê thợ đóng và bảo quản cẩn thận tại dinh làng, chỉ khi nào có Hội mới được làm lễ hạ thủy. Trước khi mở hội đua thuyền nhân dân các làng đều có sự chuẩn bị chu đáo và tuyển chọn 20 -25 chàng trai lực lưỡng quen nghề sông nước để thành lập đội đua cốt sao để giành chiến thắng. Đặc biệt là tuyển chọn người cầm chèo (tổng lái), vì ghe đua nhẹ rất dễ bị sóng đánh lật nên người cầm chèo phải có kinh nghiệm điều khiển ghe thuyền trên biển để khi đua giữ thuyền luôn được thăng bằng, đi thẳng đường đua và vượt qua những khó khăn trên đường đua để đưa thuyền đến đích an toàn và chiến thắng. Bởi sự thắng thua của từng thuyền đua trong ngày hội, theo quan niệm của người xưa thường gắn với tư tưởng thần linh, họ cho rằng năm nào ngày đầu mở hội mà thuyền đua của xóm nào về đích trước thì thần linh sẽ phù hộ cho xóm đó gặp được người nhiều may mắn. Do vậy trước khi đua họ cúng lễ các thần linh tại dinh làng để vừa xin phép thần linh phò trợ cho thuyền đua hạ thủy và mong thần linh phò trợ cho thyuền đua về đích trước.

Trước khi vào cuộc đua trong 4 ngày tết (từ ngày mùng 4 đến ngày mùng 7 tháng Giêng) nhân dân từ cụ già đến các em nhỏ tập trung về đình làng tham dự buổi lễ tế đình để tế các thần linh của làng và các vị tiền hiền, hậu hiền, thể hiện tấm lòng thành trước các vị thần đã che chở, độ trì họ trong cuộc sống và hướng lòng mình đến các vị “tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cư” –  những người đã có công xây dựng làng xóm. Buổi tế lễ được diễn ra dưới mái đình cổ kính và không gian ngày hội sôi động làm cho ngày hội lễ thêm phần trang trọng. Qua hình thức sinh hoạt tế lễ này đã góp phần thắc chặt sợi dây đoàn kết của cộng đồng, làm cho tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt trong dịp đầu năm mới. Và các nghi lễ tế đình ở đây hết cổ xưa, nó phản ánh nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của ngư dân người Việt cổ, làm cho những ngày tổ chức lễ hội đua thuyền mang đậm nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng truyền thống. 

Sau cuộc tế lễ, một hồi trống tựu vang lên báo hiệu cho các thuyền đua về vị trí xuất phát, chuẩn bị cho cuộc so tài. 

Trường đua thuyền được chọn là bến nước trước sân đình, giới hạn của trường đua hai đầu bằng 4 cọc tiêu (hoa tiêu), khoảng cách chiều dài giữa 4 cọc tiêu chừng 1000m, lấy hoa tiêu rốn – trước sân đình làm trung tâm để xuất phát và về đích. Trước mỗi cuộc đua, làng phải tổ chức tế thần trong đình do ông Cả làng làm chủ tế, sau đó “rước thần” bằng “long đình” ra “nhà trò”  – lễ đài được dựng ngoài sân đình và trước trường đua để thần linh chứng kiến cuộc đua. Tại “nhà trò” tiếp tục tổ chức tế thần với  sự tham gia của 4 ông Tổng lái của 4 thuyền đua và sự tham gia đông đảo của nhân dân trong xã đến xem Hội đua thuyền. Sau khi làm lễ “an vị” thần linh tại nhà trò là bắt đầu lễ tế với các nghi thức như tế lễ trong đình nhưng giản lượt hơn, buổi lễ cũng được thực hiện qua 3 bước (sơ hiến, á hiến và chung hiến) và đọc văn tế.   Kết thúc nghi lễ, các Tổng lái xuống thuyền và đợi lệnh xuất phát. Sau khi 4 thuyền đua về 4 vị trí hoa tiêu xuất phát theo qui định, ông Cả làng gióng hồi trống lệnh, 4 thuyền đua xé nước lao lên trong tiếng trống liên hồi giục gã, tiếng reo hò của hàng ngàn người xem hội làm vang động cả một vùng sông nước, các tay đua cố đưa thuyền đua của mình tiến nhanh về phía trước và cố tranh về đích trước, cuộc đua kết thúc sau 4 vòng đua. Cứ như thế Hội đua thuyền mừng xuân tại Đình làng kéo dài đến ngày mồng 7 tháng Giêng. 

Sau khi kết thúc Hội đua thuyền tứ linh đầu xuân tại đình làng của 02 xã là Hội đua thuyền chung của 02 xã do huyện tổ chức (hay còn gọi là đua thuyền 8 chiếc) vào ngày mùng 8 tháng Giêng. Đây cũng là ngày hội sôi động nhân ngày tết cổ truyền để phục vụ nhân dân vui chơi, đồng thời để tay đua và thuyền đua của các lân, xóm trên địa bàn huyện thi thố sức mạnh và tài năng điều khiển ghe thuyền trên biển. Sau khi tổ chức bốc thăm để xác định vị trí của các thuyền đua, ông Tổng lái (đội trưởng) của các thuyền đưa thuyền mình về vị trí xuất phát (hoa tiêu rốn – hoa tiêu xuất phát và về đích). Sau khi các thuyền về đúng vị trí hoa tiêu xuất phát phát thì ông Trưởng ban tổ chức phát lệnh để các thuyền đua xuất phát. Sau bốn vòng đua thuyền nào về trước thì xếp thứ nhất và tiếp đến là xếp thứ nhì cho đến thứ 8. Sau đó Ban Tổ chức sẽ chọn ra 04 thuyền về đích có thứ hạng từ 1 – 4 để  tổ chức đua tranh chức vô địch. Cuộc đua tranh chức vô địch cũng được diễn ra trong 04 vòng đua và thuyền nào về trước sẽ được Ban tổ chức trao chức vô địch cho cuộc đua thuyền 8 chiếc trong năm. 

          Những ngày diễn ra Hội đua thuyền thật sự là những ngày sinh hoạt văn hóa thể thao truyền thống hết sức sôi nổi của nhân dân ở 2 xã, huyện Lý Sơn trong những ngày đầu năm mới, tạo nên không phấn khởi, vui tươi cho nhân dân vui tết và thu hút mọi người dân trên đảo cũng như du khách đến xem và cổ vũ.