Nội dung thuyết minh “Tục thờ cá ông ở Lăng Tân” Lý Sơn

NỘI DUNG THUYẾT MINH 

TỤC THỜ CÁ ÔNG Ở LĂNG TÂN (LÝ SƠN)

Lăng Tân tọa lạc tại thôn Đông An Vĩnh, huyện Lý Sơn được xây dựng vào năm Minh thứ 13 (1832), đến năm 1901 (năm Thành Thái thứ 13) được xây dựng lại. Đến năm 2002, do biển xâm thực làm sạt lỡ vào sâu trong đảo, nên dân làng đã di dời và xây dựng lại lăng mới. Kiến trúc lăng hiện nay được xây dựng theo hình chữ “Tam”, gồm 3 tòa nhà: Tiền đường, chánh điện và hậu cung; ngoài là bình phong, trụ biểu. Trên đỉnh các tòa nhà đều có đắp nổi hình “lưỡng long chầu nguyệt” và trang trí rồng, phụng tại các bờ mái, góc mái rất sinh động. Bên trong hậu cung có cốt cá Ông và bệ thờ; chánh điện ở giữa đặt án thờ, hai bên thờ tả ban và hữu ban. Đây là di tích kiến trúc nghệ thuật được Uỷ ban nhân dân tỉnh Quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 746/QĐ-UBND ngày 20/5/2015. 

Hai bộ ngọc cốt cá voi khổng lồ có niên đại gần 300 năm được phục dựng

Trong tâm thức của cư dân làng chài lưới ven biển miền Trung, những người thường lênh đênh giữa biển khơi, khi sóng to gió lớn gặp nạn trên biển, mạng sống con người bị đe dọa, hình ảnh cá Ông độ mạng cứu người trở thành chỗ dựa tinh thần quí giá, là nơi gởi gắm niềm tin. Niềm tin này, ban đầu là một nhu cầu giúp người ta chịu đựng gian khổ hiểm nguy trong cuộc mưu sinh trên biển, dần dần dấu vết của niềm tin hằn sâu vào tiềm thức, trở thành tín ngưỡng dân gian.

Tục thờ cúng cá Ông ở đảo Lý Sơn được biết đến từ thời Nguyễn, đến nay còn có nhiều lăng thờ cá Ông như: Lăng Tân, Lăng Chánh, Lăng Cồn Ngoài, Lăng Cồn Trong, Lăng Thứ và Lăng Đông Hải.

Ngày xưa, khi cá Ông lớn lụy vào bờ, ngư dân thường dùng lưới quây lại rồi an táng dưới biển. Cho đến khi thịt đã rã ra thì họ tiến hành làm lễ Thượng ngọc cốt, đem xương cá Ông rửa sạch bằng rượu, rồi thỉnh vào lăng để thờ.

Sau 2 tháng thi công, các chuyên gia tạo mẫu đã phục dựng thành công 2 bộ xương cá Ông ở Lăng Tân có niên đại hơn 200 năm. Do lưu trữ đã lâu, nên hai bộ xương đã hư hỏng khoảng 40%, các chuyên gia phải dùng nhựa lắp ghép, tôn tạo lại phần đầu và những đoạn xương đã mục.

Hai bộ xương được phục dựng lại có hình dáng cá Ông đang bơi, uốn lượn, đẩy mình về phía trước. Một bộ dài khoảng 35 m nhưng bị hư nặng nên trong quá trình phục dựng lại chỉ còn 22 m được phong là “Đồng Đình đại vương” và bộ kia dài 30 m nhưng phục dựng lại chỉ còn 18 m được phong là “Đức Ngư nhị vị tôn thần”. Mỗi bộ xương có 50 đốt sống, đường kính mỗi đốt sống hơn 40 cm, có 28 xương sườn, mỗi xương dài gần 10 m, xương đầu dài 4 m và xương ngà dài 4,7 m.

Những bộ phận xương cá voi to hơn cả người – Ảnh: TR.TRUNG

Vị cá Ông thờ ở Lăng Tân có tước phong là “Đồng Đình Đại Vương” nên dân làng gọi là “sở Đại vương”.  Khi Ông vào “tu” (lụy, mất), thân hình còn nguyên vẹn, nặng hơn 55 tấn. Trước khi lụy, Ông đã lên đồng báo cho dân làng biết trước để hôm sau ra bến rước Ông vào. Nhưng khi vào Ông quá to nên không cách nào dân làng đưa lên bờ an táng được. Ban tế tự của xóm lập bàn thờ, làm lễ lên đồng để xin phép thần. Khi nhập vào đồng nhân, Ông “Đồng Đình Đại Vương” phán rằng, các con đào huyệt sẵn cho ta, đúng giờ ta sẽ tự vào. Thế là vào khoảng nửa đêm tự nhiên có một luồng gió to và sóng lớn ập vào, Ông vẫy đuôi và dân làng chỉ cầm dây kéo nhẹ là Ông bật ngay vào huyệt. Dân làng xem đó là sự hiển linh, rất vui mừng, chôn cất cẩn thận, góp công, góp của và xây dựng lăng thờ. Mười năm sau, bổn xóm và dân làng mới tổ chức lễ Thượng ngọc cốt, nghinh ngọc cốt của Ông vào lăng để thờ.

Cụ Phạm Thoại Tuyền bên một bộ phận ngọc cốt cá voi đã được thờ cúng bao đời

Tên khoa học của hai bộ xương cá Ông ở lăng Tân là: Balaenoptera edeni, họ Balaenopteridae, bộ phụ Cá voi tấm lược Mysticeti, bộ Cetacea, tổng bộ Cetartiodactyla (Ông Đồng Đình đại vương); và Megaptera novaeangliae, họ Balaenopteridae, bộ phụ Cá voi tấm lược Mysticeti, bộ Cetacea, tổng bộ Cetartiodactyla (Ông Đức Ngư nhị vị tôn thần).

Hai bộ xương cá Ông trưng bày ở Lăng Tân, cùng với ngôi lăng lâu đời bên cạnh là một di tích lịch sử văn hóa quý báu trên đảo Lý Sơn, góp phần vào việc gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống về văn hóa tín ngưỡng của các thế hệ tiền nhân cho đến ngày nay. Đây cũng là một phong tục đẹp, mang tính nhân văn của cộng đồng cư dân vùng biển trên đảo Lý Sơn nói riêng và Việt Nam nói chung, rất cần được bảo tồn và phát huy với những giá trị lịch sử của nó.