Thắng cảnh Chùa Hang – Lý Sơn

CHÙA HANG (di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia). Chùa Hang,  tên chữ Hán là “Thiên Khổng Thạch tự” (chùa đá trời xây) nằm ở dưới vách núi Thới Lới, thuộc địa phận  thôn Đồng Hộ, xã An Hải. Chùa Hang được con người tận dụng hang đá sẳn có của thiên nhiên để thờ Phật.

Chùa Hang có nguồn gốc trước đó là ngôi đền của người Chămpa thờ các vị thần Bà La Môn giáo (H. Parmentier: 1924) sau này người Việt tiếp thu đã thay thế vào đó bằng lối thờ Phật. Mặt bằng Chùa Hang nằm sâu trong hang núi và thấp hơn so với mặt đất ngoài hang nên ở cửa hang có bậc cấp đi xuống.  Bên ngoài Chùa Hang có nhiều cây bàng vuông tỏa bóng mát và tượng  Phật Quan Âm bồ tát, nhìn về hướng bắc mặt biển mênh mông dợn sóng. Từ xa xưa, chùa Hang cũng là nơi ẩn nấp của nhân dân trên đảo khi có giặc cướp biển đến Lý Sơn cướp phá.

Hàng năm đến ngày lễ, tết Nguyên Đán, lễ Phật Đản, lễ Vu Lan, nhân dân địa phương thường đến Chùa làm lễ, tụng kinh niệm Phật. Riêng tộc họ Trần trên đảo Lý Sơn làm lễ giỗ tổ tại Chùa Hang  vào các ngày 10-3 và ngày 8-4 âm lịch hàng năm rất long trọng. Theo tài liệu gia phả họ Trần làng An Hải cho biết cách đây 300 năm, có ông tổ họ Trần là ông Trần Công Quận đã  lập ra Chùa Hang. Sau đó khoảng 100 năm, con cháu của ông là Trần Châu, Trần Tiềm tiếp tục tu tạo tại Chùa Hang.

Chùa Hang  là tác phẩm tuyệt vời mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho con người vùng đất này. Ỏ đây núi và biển liền kề dựa vào nhau, tôn nhau lên tạo thành một bức tranh tuyệt tác. Thiên nhiên cảnh vật ở đây có một dáng vẻ riêng với những không gian mênh mông biển nước và một bên là núi cao và  với các vách đá dựng đứng, các hang động đá nguyên sơ gắn với các truyền thuyết về sự hình thành của đảo Lý Sơn và lịch sử chinh phục thiên nhiên của con người từ thuở xa xưa, tạo cho cảnh vật ở đây vừa hiện thực lẫn trong huyền thoại.

Trên vách đá trước chùa có họa tiết hình Phật Thích Ca sơ sinh trong tư thế một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, theo triết lý Phật giáo, khi ngài sinh ra đi qua bảy đài sen trong tư thế như vậy gọi là “Thiên thượng địa hạ, Duy ngã độc tôn”, nghĩa là, trên trời dưới đất, chỉ có ngài là đức chí tôn mà thôi.

Đường vào ra của Chùa Hang duy nhất chỉ có một con đường, ở trước cửa ra vào chùa có hai trụ biểu, ghi hai câu đối bằng chữ Hán : “Nhất Trần bát bảo bồ đề địa/ Vạn thiện đồng qui thiền khổ môn

Chùa Hang có chiều sâu 24m, bề rộng 20m, chiều cao 3,2m, diện tích 480m2. Nội thất Chùa Hang được bố trí như sau:

– Chính giữa có 3 ban thờ: ở chính giữa là ban thờ 3 vị Phật tổ là Di Đà, Như  Lai và Di Lặc, tọa trên tòa sen bằng đá. Phía bên phải là ban thờ 3 vị Quan thánh, mỗi tượng cao khoảng 0,3m, phía bên trái là ban thờ Sư Tổ Đạt Ma với bài vị bằng gỗ sơn son thiếp vàng, trên đó ghi: “Phụng từ Tây phương Đông Độ lịch dợi tổ sư linh vị”. Phía trước 3 ban thờ  là 3 tượng Phật: Chuẩn Đề cao 0,6m, tượng Quan âm cao 0.8m và tượng Địa Tạng cao 1m.

– Phía bên phải có 3 ban thờ, thứ tự tính từ trong ra là: Ban thờ 12 vị Diêm vương (Thập nhị Diêm Vương), Ban thờ các vị tộc họ Trần với bài vị ghi danh 3 người là: Phục từ khai sáng Trần Tổ Công Thành Từ Đạo Châu, hiệu Huyền Huyên Linh Vị, Phục từ Trần Tổ Công Tiềm, Từ Ấn Long, hiệu Huyền Kính, cao lão Hòa thượng Linh vị và ban thờ thứ 3 là thờ 7 vị tiền hiền khai phá lập ra làng An Hải, với bài vị ghi rõ là: “Phụng tự tiền hiền thất tổ tiên sanh từ vị chư thần vị”

– Phía bên trái trong nội thất chùa cũng có 3 ban thờ, tính từ trong ra là ban thờ Giám Trai, tiếp đến là ban thờ Ngũ Lội và ban thờ Tiền Vãng (thờ những người có đóng góp sức lao động  xây dựng tôn tạo chùa Hang ).

– Ở bên trong cổng ra vào, phía bên phải có bàn thờ bổn đạo thiện nam tín nữ và 3 ban thờ những người có công của xây dựng tu bổ Chùa Hang, trên vách tường xây có 2 câu đối chữ Hán: “Tịnh độ năng nhơn tiếp dẫn chúng sanh an dưỡng/Quắc cư sĩ tấn hoá bảo hộ hoàn lạc Tây Phương”. Phía bên trái, sát mép động đá có bàn thờ âm binh, cô hồn và một tượng Hộ pháp cao 0,8m .

Gắn liền với các huyền tích về chùa Hang, nhân dân Lý Sơn còn truyền tụng về hai con đường, đường lên trời và đường đi xuống âm phủ. Tương truyền ngày xưa những người họ Trần tu học đạo pháp đã dùng phép thuật tạo ra một cái hang rất sâu, trong hang có con đường đi dưới đất nối liền với hang Dơi ở xóm Tây, làng An Vĩnh. Đặc biệt huyền tích về 02 vị sư nổi tiếng đã tu đạo tại chùa, đó là ông Tiềm và ông Châu, 02 vị sư này đã tu luyện đắc đạo có khả năng “rấm đậu thành binh” để điều khiển âm binh trừ tà ma giúp dân ổn định đời sống. Và 02 ông cũng có khả năng đi trên mặt nước biển chỉ bằng một chiếc nón… Đây cũng chỉ là những truyền thuyết về các vị sư tu luyện tại chùa để làm tăng thêm sự huyền bí và linh thiêng của ngôi chùa nhưng qua những truyền thuyết đó cũng có thể nhận diện chùa Hang xưa vừa nơi vừa thờ Phật và là nơi tu luyện của các vị đạo sĩ theo đạo giáo.

Chùa Hang là một di tích thắng cảnh thiên nhiên và con người kiến tạo nên, đây là một di tích lịch sử, là một bằng chứng về quá trình khai phá và xây dựng đảo Lý Sơn của cư dân Đại việt cách đây gần 400 năm. Mặt khác, chùa Hang lại nằm  ở một vị trí có cảnh quan thiên nhiên rất đẹp, nên thơ và hùng vĩ nên trở thành một danh thắng nổi tiếng của Lý Sơn, thu hút nhiều khách tham quan, thưởng ngọan, là tiềm phát triển du lịch trên đảo Lý Sơn.