a) Vị trí địa lý – điều kiện tự nhiên:
Đảo Lý Sơn ở về phía đông bắc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền 15 hải lý, gồm 1 đảo lớn (Cù lao Ré), 1 đảo bé (Cù lao Bờ bãi) và hòn Mù Cu. Có diện tích tự nhiên khoảng 10,3 km2, dân số khoảng 22.000 người. Toàn huyện đảo có 3 xã: An Hải, An Vĩnh và An Bình (đã giải thể chính quyền cấp xã 01/4/2020 theo NQ số 867).
Đảo bé, còn gọi là Cù lao Bờ Bãi, nay là xã An Bình, nằm cách đảo lớn khoảng 5km phía tây bắc. Có diện tích tự nhiên 68ha, dân số hơn 400 người. Về kiến tạo địa chất đảo Bé cũng là do sự vận động của núi lửa tạo thành, nên hiện nay trên đảo còn nhiều bãi nham thạch của núi lửa và do sự xâm thực của sóng biển tạo nên những hang động kỳ vỹ có giá trị khai thác du lịch sinh thái biển đảo như: hòn Đụn, hang Chàng thiếp, Bãi hang sau…
Phía đông nam đảo lớn có hòn Mù Cu, cách bờ 500m, nơi đây chỉ là những bãi đá nhô cao và chỉ có duy nhất loài cây Mù Cu sinh sống nên người dân gọi là hòn Mù Cu. Hòn Mù Cu nhỏ hẹp, không có người ở. Hiện nay, tại khu vực hòn Mù Cu được xây dựng thành vũng neo đậu tàu thuyền của ngư dân trên đảo.
Về mặt hành chính, thời Chúa Nguyễn, đảo Lý Sơn gọi là Cù lao Ré, gồm 2 phường An Vĩnh và An Hải. Đời vua Gia Long, năm 1808, Lý Sơn đặt thành tổng, gọi là Tổng Lý Sơn. Đời vua Đồng Khánh, hai phường An Vĩnh và An Hải ở Lý Sơn thuộc Tổng Bình Hà, huyện Bình Sơn, về sau đặt lại tổng Lý Sơn. Đến năm 1931, tổng Lý Sơn đặt thành đồn Lý Sơn trực thuộc tỉnh Quảng Ngãi, có một viên Bang tá cai trị. Phường An Hải đổi thành xã Hải Yến, phường An Vĩnh đổi thành xã Vĩnh Long.
Sau khi cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đảo Lý Sơn gọi là tổng Trần Thành, gồm 2 xã: Dương Sạ (Hải Yến cũ) và Vĩnh Long. Năm 1946, tổng Trần Thành đổi thành xã Lý Sơn trực thuộc huyện Bình Sơn. Năm 1951, quân Pháp đánh chiếm đảo Lý Sơn và thiết lập 1 khu hành chính thuộc thành phố Đà Nẵng. Từ năm 1954-1975, chính quyền Sài Gòn chia Lý Sơn có 2 xã Bình Vĩnh, Bình Yến thuộc huyện Bình Sơn. Sau ngày giải phóng hai xã vẫn giữ nguyên tên gọi cũ. Ngày 01.01.1993, huyện Lý Sơn được thành lập, hai xã Bình Vĩnh và Bình Yến được đổi thành xã Lý Vĩnh và xã Lý Hải. Đến năm 2003 các tên xã của huyện được đổi thành xã An Vĩnh và An Hải và sau này đảo Bé được thành lập đơn vị hành chính cấp xã, gọi là xã An Bình.
Do nằm ở vị trí án ngữ cửa biển Sa Kỳ – Quảng Ngãi nên đảo Lý Sơn có tầm quan trọng về quân sự. Từ giữa thế kỷ XV, Bắc quân đô đốc Bùi Tá Hán trên đường đem quân nhà Lê Trung Hưng vào đánh dẹp quân nhà Mạc lấy lại vùng đất Thừa tuyên Quảng Nam đã đóng quân tại đảo Lý Sơn để thao diễn luyện tập và làm bàn đạp tấn công vào cửa biển Sa Kỳ và tiến quân đánh chiếm Quảng Ngãi và cả vùng Thừa Tuyên Quảng Nam từ quân Nhà Mạc. Sau này nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn đã xây dựng ở đây các đồn phòng thủ quân sự để bảo vệ vùng biển Quảng Ngãi. Đặc biệt do nằm ở vị trí trên con đường thương mại trên biển, nên Lý Sơn từ xa xưa đã có sự giao lưu thương mại – văn hóa với các trong khu vực.
b. Lịch sử hình thành dân cư
Kết quả khai quật khảo cổ học tại các di chỉ xóm Ốc và suối Chình – hai dòng suối cổ trên đảo, các nhà khảo cổ học đã phát hiện nhiều hiện vật chứng minh rằng từ xa xưa trên đảo Lý Sơn đã có con người sinh sống, cách ngày nay khoảng 3000 năm.
Theo tài liệu ghi chép từ các tộc họ trên đảo Lý Sơn cho biết từ đầu thế kỷ XVII, khoảng thời gian vào những năm 1604 – 1610, có 15 người từ làng An Hải (nay thuộc xã Bình Châu – huyện Bình Sơn) và làng An Vĩnh (nay thuộc xã Tịnh Kỳ – thành phố Quảng Ngãi) di cư ra đảo khẩn hoang và sinh sống và hình thành nên 2 làng An Vĩnh và An Hải. Ở làng An Vĩnh có 7 vị tiền hiền, gồm các dòng họ: Phạm Quang, Phạm Văn, Võ Văn, Võ Xuân, Lê, Nguyễn, Trần ra khai phá vùng đất phía Tây của Đảo và lập ra phường An Vĩnh, nay là xã An Vĩnh. Làng An Hải có 8 vị tiền hiền, gồm các dòng họ: Nguyễn, Dương, Trương, Trần, Võ, Nguyễn Đình, Nguyễn Văn, Lê khai phá vùng đất phía đông và phía Nam, lập ra làng An Hải, nay là xã An Hải . Đến năm Gia Long thứ 3 (1804) các làng ngoài đảo Lý Sơn mới tách khỏi 2 xã An Vĩnh và An Hải trong đất liền và được hình thành những đơn vị hành chính độc lập theo đơn ghi ngày 11 tháng 2 năm 1804, xin tách khỏi xã An Vĩnh (thuộc huyện Bình Sơn) do các chức sắc phường An Vĩnh đệ trình lên triều đình,
Từ buổi đầu khai hoang, lập làng người Việt trên đảo Lý Sơn đã gặp không ít khó khăn khắc nghiệt từ thiên nhiên cũng như sự cướp phá của giặc cướp biển (giặc Tàu ô) để bảo vệ xóm làng. Đặc biệt là lịch sử đấu tranh bảo vệ chủ quyền của đất nước trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã ghi đậm công trạng và sự hy sinh anh dũng của biết bao thế hệ người dân trên đảo. Và ngày nay nhiều di tích liên quan đến đội Hoàng Sa – Trường Sa vẫn còn tồn tại và nhiều câu ca lưu truyền trên đảo Lý Sơn “Hoàng Sa đi có về không/Lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi” hay “ Trường Sa mây nước bốn bề/ Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa”.
Quá trình hình thành và phát triển cộng đồng dân cư trên đảo Lý Sơn gắn liền với xây dựng nền tảng văn hóa tín ngưỡng của người Việt trên đảo. Trên cơ sở nền tảng văn hóa của người Chămpa, người Việt đã tiếp thu và phát triển tạo nên nền văn hóa có sự tiếp biến của các giá trị văn hóa truyền thống của văn hóa Chămpa và văn hóa Việt khá nhuần nhuyễn và mang đậm nét văn hóa – tín ngưỡng của cư dân Việt ở đồng bằng Bắc bộ. Hiện nay trên đảo Lý Sơn vẫn còn tồn tại những nét sinh họat văn hóa cổ xưa như: tế đình, tế thần tại các dinh thờ; các lễ hội tiêu biểu như: Hội dồi bòng, đua thuyền, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa… mang nét tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp đồng bằng Bắc bộ, kết hợp với những hình thức tín ngưỡng như thờ cúng âm hồn, thờ nữ thần, thờ cúng cá Ông… và cùng với hệ thống di tích kiến trúc tín ngưỡng đình, chùa, miếu mạo thờ cúng thần linh đã tạo nên một Lý Sơn giàu truyền thống văn hóa – tín ngưỡng.
c) Đặc điểm kinh tế .
– Về ngư nghiệp: Trước đây do phương tiện đánh bắt hải sản hạn chế, chủ yếu là thuyền nhỏ và thúng, nên chỉ một số ít hộ dân trên đảo làm nghề biển và đánh bắt gần bờ, với nghề lưới cá chuồn, lưới cá sơn, cá trích, câu mực là chính. Tuy nhiên nhờ kinh nghiệm đi biển nên người dân làng An Vĩnh, An Hải xưa đã được triều đình phong kiến tuyển mộ đi khai thác sản vật trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hiện nay, do điều kiện kinh tế phát triển, người dân đã đầu tư đóng mới nhiều phương tiện đánh bắt hiện đại, có khả năng đánh bắt xa bờ, ở các ngư trường trong nước, tận các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nên kinh tế biển phát triển mạnh ở Lý Sơn và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trọng chiến lược phát triển kinh tế ở Lý Sơn trong tương lai.
Hiện nay, trên đảo Lý Sơn có khoảng 450 tàu đánh bắt hải sản, trong đó có khoản 290 tàu cá có công suất trên 90Cv dùng để đánh bắt xa bờ. Sản lượng đánh bắt hải sản hằng năm……
– Về nông nghiệp: ở Lý Sơn do điều kiện thổ nhưỡng đất đai không trồng được cây lúa, chỉ trồng được các loại cây lương thực như bắp, đậu ván, (đây là 2 cây lương thực chính cung cấp lương thực cho người dân trên đảo trước đây) và một số cây lương thực khác như mì, khoai lang, đậu phộng; trồng cây gai để lấy sợi đang lưới vừa phục vụ nhu cầu đánh bắt cá và đem trao đổi với các địa phương khác trong đất liền. Từ những năm 1960, cây hành, cây tỏi trở thành cây trồng chủ lực và là nguồn thu nhập kinh tế chủ yếu của người nông dân trên đảo.
Do đất đai phù hợp với điều kiện sinh trưởng của cây hành, tỏi nên chất lượng hành tỏi Lý Sơn nổi tiếng thơm ngon. Tuy nhiên, việc lấy cát trắng ven biển để cải tạo đất trồng hành, tỏi thường xuyên diễn ra theo mùa vụ, nên có tác hại rất lớn đến môi trường trên đảo, đã làm mất đi những cồn cát và bãi cát trắng phau xung quanh đảo, làm cho sóng biển xâm thực ngày một nghiêm trọng vào diện tích đất ở và canh tác ven đảo. Mặc dù cây hành, cây tỏi là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng do qui trình cải tạo đất đòi hỏi phải có đất cát vôi trắng để cho năng suất cao, nhưng nguồn cát này đến nay hầu như đã cạn kiệt, vì vậy sản xuất nông nghiệp ở Lý Sơn gặp nhiều khó khăn.
Đảo Lý Sơn có 370 hecta đất nông nghiệp. Cây trồng chủ lực chính là cây tỏi, hành, đậu, bắp, dưa hấu, mè. Sản lượng tỏi, hành ………
– Thương nghiệp: Do nằm ở vị trí quan trọng trên tuyến đường thương mại trên biển nên từ xa xưa đảo Lý Sơn đã có sự trao đổi mua bán hàng hóa với tàu buôn trên biển khi đi qua đảo. Đặc biệt do nhu cầu lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác phục vụ cho đời sống của nhân dân trên đảo, nên việc giao thương, mua bán trao đổi hàng hóa giữ Lý Sơn với đất liền thông qua phương tiện ghe Bầu diễn ra mạnh mẽ. Người Lý Sơn rất giỏi về nghề đi biển và kỹ thuật đóng ghe Bầu, họ dùng ghe Bầu để vào đến tận miền Nam mua gạo và các mặt hàng nhu yếu phẩm về cung cấp cho nhân dân trên đảo. Hàng hoá từ Lý Sơn là lưới gai, dầu phộng, các loại rong biển (rau câu, ra đông, rau chân vịt…) được chuyên chở đến các vùng ven biển Quảng Ngãi để bán và sau đó các thương lái đi vào các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Sài Gòn…để mua gạo, muối và một số mặt hàng nhu yếu phẩm khác về bán lại cho nhân dân trên đảo. Từ đó cho thấy hoạt động thương nghiệp trên đảo Lý Sơn đã phát triển khá mạnh thông qua hoạt động của ghe Bầu. Hiện nay, dịch vụ thương mại mua bán trên đảo đang phát triển mạnh, chủ yếu là các dịch vụ nghề cá, mua bán ngư lưới cụ và các dịch vụ phục vụ nhu cầu sinh họat của nhân dân trên đảo.
– Ngành nghề thủ công: Nhìn chung ngành nghề thủ công trên đảo ít phát triển, chưa hình thành được cơ sở nghề thủ công có quy mô lớn mà chỉ là các hộ gia đình làm nghề thủ công nhỏ như: nghề mộc, nghề đan lưới, chế biến hải sản… Ngành nghề thủ công nổi bật nhất ở Lý Sơn là nghề đóng ghe thuyền đi biển và nghề mộc xây dựng các công trình dân dụng, tín ngưỡng. Xưa các thợ thủ công nghề mộc ở Lý Sơn họ đã đóng được những chiếc ghe bầu có trong tải trên 50 tấn để vận chuyển hàng hóa buôn bán trên biển và các thuyền câu để ngư dân đánh bắt hải sản. Đặc biệt các thợ mộc Lý Sơn còn thể hiện sự tài hoa ở sự chạm khắc gỗ trong kiến trúc xây dựng nhà ở, lăng miếu hiện còn trên đảo. Các đề tài chạm khắc trên gỗ tại các vì kèo, cột, hệ thống cửa của một số nhà lá mái và di tích tín ngưỡng khá phong phú và tinh xảo, tạo nên những công trình kiến trúc có giá trị, tiêu biểu như đình làng An Hải, An Vĩnh, dinh thờ Thiên Y a na, lăng thờ cá ông…
Với ưu thế về biển và kinh nghiệm đánh bắt hải sản của ngư dân trên đảo và sự đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nghề cá của Nhà nước như xây dựng cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền và dịch vụ nghề cá, cho vay vốn ưu đãi để ngư dân đầu tư mua sắm ngư lưới cụ và đóng mới tàu thuyền,.. sẽ là nền tảng và cơ sở để kinh tế biển ở Lý Sơn phát triển mạnh và trở ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội ở Lý Sơn. Bên cạnh đó, với tiền năng di sản văn hóa truyền thống đa dạng, phong phú sẽ là lợi thế to lớn để phát triển du lịch sinh thái – nhân văn.
d. Về văn hóa – giáo dục.
Ở các xã trên đảo đều có đình làng, đền miếu để thờ thần Thành hoàng làng, Thần Nam Hải (cá Ông), Thiên y a na, Tiền hiền hậu hiền, thần Ngũ Hành, … và hằng năm tổ chức nhiều loại hình sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội mang đậm nét văn hóa truyền thống tại các di tích tín ngưỡng như: Lễ hội đua thuyền tứ linh, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, Hội Dồi bòng, Tế tiền hiền, Lễ lên nghề, Lễ hoàn nguyện, Lễ cầu mùa…tạo nét nét văn hóa truyền thống độc đáo của Lý Sơn.
Về giáo dục: Hiện nay trên địa bàn huyện có một trường THPT, hai trường THCS, bốn trường Tiểu Học và ba trường mầm non.
Về tôn giáo: Trên đảo có các tôn giáo chính: Phật giáo, Thiên chúa giáo, Cao đài, với các cơ sở thờ tự: Tịnh xá Ngọc Đức, Chùa Vĩnh Ân, Thánh thất Cao Đài, chùa Bà Phật Mẫu, Đỉnh Liêm Tự (chùa Đục) ở xã An Vĩnh và chùa Từ Quang, chùa Hang và một Giáo sứ ở xã An Hải.
Đảo Lý Sơn có các điểm tham quan: Ở xã An Vĩnh có cổng Tò Vò, chùa Đục, núi Giếng Tiền, Âm Linh Tự, đình An Vĩnh, Bảo tàng Đội Hoàng Sa – Bắc Hải, giếng Xó La. Ở xã An Hải có chùa Hang, Hang Câu, núi Thới Lới, hòn Mù Cu, đình An Hải, đền thờ Thiên Y a na. Ở xã An Bình có thắng cảnh Bãi Hang, Mom Tàu, Hòn Đụn, …