Giếng cổ Xó La – Quanh năm không cạn nước

Khi tất cả giếng nước trên đảo Lý Sơn đều nhiễm mặn, hoặc cạn trơ đáy thì giếng Xó La vẫn đầy ắp nước ngọt. Dù rằng, giếng nước này nằm sát mép biển.

Giếng Xó La là giếng nước cổ nổi tiếng nằm ở thôn Đông An Vĩnh (huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi).

 

Ngoài tên gọi Xó La, giếng nước này còn có nhiều tên gọi khác như giếng Vua, giếng Gia Long, giếng Tiên, giếng Thầy Tu… Mỗi tên gọi đều gắn với một câu chuyện lưu truyền trong đời sống cư dân đất đảo tiền tiêu. Tuy nhiên, tên gọi thông dụng nhất vẫn là giếng Xó La.

Những bậc cao niên tại huyện đảo cho rằng, “xó” ở đây chỉ vị trí giếng nằm ở một góc không gian hẹp, còn “la” là tên một loài cây mọc rất nhiều quanh giếng.

Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, giếng cổ Xó La xuất hiện vào khoảng thế kỷ 15. Khi người Việt đến, các giếng nước của người Chăm, trong đó có giếng Xó La vẫn được tiếp tục sử dụng và duy trì cho đến ngày nay. Như vậy, giếng Xó La có “tuổi” ít nhất là 5 thế kỷ.

Giếng Xó La sâu khoảng 10 m. Lòng giếng hình tròn, đường kính 1,9 m, được kè bằng đá cuội, đá nham thạch xen lẫn đá vôi. Đá ở đây được lựa chọn kỹ về kích cỡ và hình dạng, kè vào nhau khá công phu, vừa đẹp mắt, vừa rất chắc chắn, lại có khe hở vừa phải để nước mạch có thể thoát ra dễ dàng.

Tuy chỉ cách mép biển lúc thủy triều lên cao nhất khoảng 5 – 7 m, nhưng nước giếng Xó La luôn ngọt và thanh mát bốn mùa, không nhiễm mặn như hầu hết các giếng nước trên đảo Lý Sơn. Đặc biệt, thời kỳ đỉnh điểm mùa khô trong khi hàng ngàn giếng nước ở Lý Sơn đều cạn kiệt thì chỉ duy nhất giếng Xó La còn nước ngọt.

Không có giếng nước nào ngon như giếng nước Xó La. Mùa nắng tất cả giếng nước trên đảo đều nhiễm mặn, riêng nước giếng Xó La vẫn ngọt lành. Đặc biệt nhất là dùng nước giếng này pha trà, nấu rượu sẽ tạo nên hương vị rất khác lạ.

Chính sự đặc biệt nói trên mà năm 2017, giếng nước Xó La đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.