Chẳng biết xu xoa có từ bao giờ nhưng mỗi khi hè đến là những người sống ở quê như tôi lại háo hức, thòm thèm đến lạ.
Cũng tùy vùng, có nơi gọi là xu xoa, có nơi biến âm gọi là rau xoa cho gọn. Xu xoa nấu ra giống hệt như rau câu nhưng khác ở chỗ là nó thơm lừng mùi biển. Rau câu lúc nấu phải có đường, sau đó có thể thêm vào một số nguyên liệu tùy thích khác như sữa, nước cốt dừa, cà phê. Còn xu xoa thì khi nấu không cần đường, không bỏ gì thêm cả, chỉ một màu trắng đục duy nhất. Mọi người có thể sẽ hơi “hụt hẫng” với món này, tuy nhiên, ăn thử sẽ đổi ý.
Nếu bạn là người sành ăn, hoặc có khứu giác nhạy, khi ăn sẽ có thể nhận ra loại xu xoa nào được lấy từ biển, loại nào được lấy từ vùng nước lợ, cả hai đều nấu được, nhưng có mùi khác nhau. Cá nhân mình thì thích ăn xu xoa ở biển hơn, nó có mùi thơm nồng của biển, nên rất thích.
Ở vùng đất nắng gió này, mùa hè kéo dài từ tháng 3 cho đến tháng 7. Đây cũng là thời điểm những người dân miền biển bắt đầu vào vụ thu hoạch rau đông hay còn gọi là rau xu xoa, cũng vài người lại gọi là rau chân vịt. Loại rau này thường bám sát vào bề mặt những hòn đá hay rạn san hô, có hình thù như những ngón chân vịt nên gọi là râu câu chân vịt. Chính loại rau bổ dưỡng này là nguyên liệu để làm nên những ly xu xoa mát lạnh, giải khát cho ngày hè oi bức.
Xu xoa ở biển được mọc trên đá, màu đen, phải dùng dụng cụ đặc biệt chuyên dụng thì mới cào nó ra khỏi đá được, chỉ có thể hái chúng vào đầu tháng và giữa tháng âm lịch, vì khi đó thủy triều cạn vào ban ngày, đá nổi lên trên thì mình mới đi hái được.
Xu xoa hái về được sơ chế liên tục gần nửa tháng mới có thể đem nấu, phải liên tục ngâm, phơi sương, phơi khô, bỏ vào cối dùng chày giã cho nát đá, rồi lại tiếp tục quay vòng lại cho đến khi nào cọng rau có màu trắng mới được. Để có được những khối xu xoa trắng, giòn, thơm thì cần rất nhiều sự tỉ mỉ, công phu.
Rau đông trước khi nấu phải đem ngâm trong nước lạnh chừng một ngày để rau nở ra và nhả hết các chất bẩn còn sót lại. Lưu ý, phải rửa thật sạch cho đến khi nước trong, vì chỉ cần một chút cặn bẩn, nồi rau chân vịt khi nấu xong sẽ có màu nâu đục. Sau đó, cho rau đã ngâm, làm sạch vào nồi nước rồi nấu trên bếp. Chị Dung cẩn thận dặn thêm: Để có miếng xu xoa giòn ngon, không bở thì phải nấu đúng theo tỷ lệ 1: 30 (1kg chân vịt khô thì dùng 30 lít nước). Trong khi nấu cho thêm nước cốt chanh giúp rau nhanh mềm và dễ đông cứng, cũng theo tỷ lệ 1:30 (1kg thì dùng 30 quả chanh). Khi nấu, khoảng chừng 5 phút thì khuấy một lần, nấu đến khi nào rau đông chín nhừ thì đổ vào chiếc bao vải, lọc lấy nước. Nước này sau khoảng 3 giờ đồng hồ sẽ đông đặc lại, có màu trắng đục, dạng thạch gọi là xu xoa.
Tiếp đến là công đoạn làm nước đường. Thường người ta dùng đường bát để thắng, thắng đến khi nào đường tới vừa dẻo, cho thêm vài nhúm gừng giã nhỏ giúp ấm tỳ, tăng hương vị. Gọi một ly xu xoa từ quang gánh, người bán mềm mại, nhẹ nhàng nâng miếng xu xoa ra khỏi thau đựng, bàn tay khéo léo cắt ra từng khối nhỏ như hình ô bàn cờ cho vào ly đá, rồi từ từ chan những muỗng đường vàng sóng sánh vào. Giữa cái nắng nóng của mùa hè, ly xu xoa mát lành vị biển, ngọt thơm vị đường, khiến lòng người hân hoan đến lạ.