Trong lịch sử bảo vệ chủ quyền suốt gần 3 thế kỷ (XVII, XVIII và nữa đầu TK XIX) đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của dân tộc được viết bằng nhiều mồ hôi, máu và cả sinh mạng của nhiều thế hệ tráng đinh của 2 phường An Vĩnh và An Hải xưa.
Từ thực tiễn hoạt động của đội Hoàng Sa xưa, trong điều kiện phương tiện tàu thuyền đi lại trên biển thô sơ và luôn “một đi không trở lại”, đã hình thành ở Lý Sơn một “lớp văn hóa” phản ánh khá rõ nét về hoạt động và sự hiểm nguy khi thực hiện nhiệm vụ trên biển của đội Hoàng Sa. Đó là những câu hát dân gian “Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn/ chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây”; “Chiều chiều ra ngóng biển khơi/ ngóng ai đi lính Trường Sa chưa về”… Sâu đậm như một tâm linh văn hóa là sinh hoạt tín ngưỡng thờ cúng trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của người dân Lý Sơn. Ngoài các cai đội Phạm Quang Ảnh, Phạm Hữu Nhật, Võ Văn Khiết và những người lính trong đội Hoàng Sa xưa được người dân trong làng phối thờ lại di tích Âm linh tự với biểu tượng tháp thờ “Chiến sĩ trận vong” và một số đền thờ để ngàn đời nhớ đến công lao của họ.
Đặc biệt là lễ khao lề thế lính Hoàng Sa xưa được tổ chức vào dịp “cúng việc lề” của họ tộc. Nguồn gốc sâu xa của “lễ khao lề” là “lễ tế lính Hoàng Sa” xưa trước khi đội lên đường làm nhiệm vụ được làng tổ chức tại đình để tiễn đưa, với mong muốn được thần linh trên biển bảo vệ cho họ được bình an trở về. Theo quan niệm của họ thì đội Hoàng Sa khi làm nhiện vụ trên biển luôn gặp nhiều rủi ro và thường chỉ có đi mà không có về nên trong buổi tế người ta làm những hình người bằng khung tre và dán giấy ngũ sắc, làm thuyền bằng thân cây chuối đặt hình nộm lên để làm giả những đội binh thuyền Hoàng Sa đem tế tại đình, tế xong đem thả ra biển, với mong muốn đội thuyền kia sẽ chịu mọi rủi ro thay cho những người lính của đội Hoàng Sa và tạo niềm tin và ý chí cho người lính làm hoàn thành nhiệm vụ theo lệnh vua sai phái. Hiện nay Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được nhân dân địa phương tổ chức thường niên tại đình làng An Vĩnh vào ngày 15-16/3 al, để tưởng nhớ, tri ân Đội hùng binh Hoàng Sa xưa và trở thành một lễ hội truyền thống mang đậm nét nhân văn của nhân dân Lý Sơn.
Đình An Vĩnh tọa lạc ở thôn Đông, xã An Vĩnh. Phía trước đình làng là Bến Đình, nơi xuất bến của đội Hoàng Sa đi bảo vệ, khai thác sản vật trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo lệnh triều đình. Theo một số tư liệu cho biết đình An Vĩnh được xây dựng vào năm Mậu Ngọ (1798) và do Hội nghĩa hầu Võ Văn Khiết – cai đội Hoàng Sa đứng ra vận động nhân dân xây dựng ngôi đình và làm cai đình. Theo các cụ cao niên trong làng thì đình làng An Vĩnh xưa được nhân dân xây dựng có quy mô lớn, gồm đình trung, đình thượng và đình hạ. Mãi đến năm 1953, ngôi đình bị Pháp thả bom làm sập mái trước, sắc phong bị cháy. Năm 1957, ngôi đình bị sụp đỗ hoàn toàn. Sau khi ngôi đình bị sụp đỗ, nhân dân làng An Vĩnh đã xây dựng nhà thờ tiền hiền để thờ các vị tiên công. Đến năm 2009, trên nền móng cũ và khảo sát nghiên cứu kiến trúc của ngôi đình An Vĩnh xưa, Nhà nước đã đầu tư kinh phí để trùng tu, phục dựng làm nơi thờ cúng thành hoàng làng và các vị cai đội và binh phu Hoàng Sa và làm nơi tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.
Bố cục kiến trúc từ ngoài đi vào đình An Vĩnh gồm: Bình phong trụ biểu. Bình phong đình làng đắp theo kiểu “tiền long hậu hổ”. Ngôi đình có kiến trúc chữ Tam gồm ba toàn nhà, gọi là: Đình hạ, đình trung và đình thượng, được liên kết trong một tổng thể đặt trên trục thần đạo.
Đình hạ: Không gian kiến trúc của đình hạ có 30 cột chia làm ba gian thờ. Đình hạ có bốn bộ vì kèo trụ tiêu áp quả đế con tôm. Hàng cột hiên được xây bằng gạch, gồm sáu cột trang trí đắp nổi rồng cuộn, hai cột đầu mái hiên có dáng hình vuông, đế cột đặt trên lưng hai con Nghê quay đầu về phía trước chánh điện. Hệ thống bảng lồng được trang trí chạm khắc. Bên trong nội thất đình hạ, chính giữa treo bức hoành phi “An Vĩnh Đình” và hai liễn đối chữ Hán “Ân đức dựng xây miền đảo Lý/Nghĩa tình bồi đắp dải Hoàng Sa” được sơn son thếp vàng. Mái lợp ngói âm dương, đỉnh mái trang trí lưỡng long tranh châu, bờ mái đầu hồi trang trí đắp nổi long phượng triều qui. Hai đầu hồi đình hạ trang trí hình con dơi đắp nổi.
Đình trung: Đình trung liên kết với đình hạ bằng hệ thống máng xối, ở hai đầu máng xối trang trí đầu cá chép. Mặt bằng kiến trúc đình trung gồm 24 cột, có bốn bộ vì kèo trụ tiêu áp quả đế con tôm. Về kiến trúc của đình trung giống như đình hạ. Gian gữa đặt 1 hương án thờ hội đồng, 2 bên có 04 các ban thờ, gồm: 02 ban thờ tiền hiền, hậu hiền và 02 ban thờ các vị cai đội và binh phu Hoàng Sa.
Đình thượng: Đình thượng gọi là hậu cung, liên kết với đình trung cũng bằng máng xối, hai đầu máng xối trang trí đầu cá chép. Đình thượng được xây hoàn toàn bằng gạch, vôi vữa chứ không còn kiến trúc gỗ. Phần vách trước đình thượng là bộ cửa bàn khoa, hai bên hông vách được trổ hai cửa nhỏ để thông thoáng bên trong. Đình thượng có kết cấu tám mái theo kiểu kiến trúc mái cắt chồng cổ diêm, tạo thành bốn mặt trang trí. Nội thất thờ thần và có bài vị, hai bên thờ tả ban, hữu ban, các gian đều có đôi câu đối chữ Hán.
Trong không gian liền kề đình làng còn có nhà thờ tiền hiền (thờ sáu vị tiền hiền mở đất làng An Vĩnh) và Lăng chánh (thờ cá Ông); cách đình về phía đông có chùa Vĩnh Ân, tạo thành một quần thể kiến trúc tín ngưỡng và trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân xã An Vĩnh.
Đình làng An Vĩnh được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 2013. Hằng năm tại đình làng An Vĩnh nhân dân tổ chức nhiều sinh hoạt tín ngưỡng lễ hội như: Lễ hội đua thuyền tứ linh đầu năm từ ngày mùng 4 – 7 tháng Giêng, lễ tế xuân thu nhị kỳ, lễ động thổ đầu năm… đặc biệt là lễ khao lề thế lính Hoàng Sa vào ngày 15 – 16 tháng Ba âm lịch – đây là một lễ hội truyền thống mang ý nghĩa lịch sử và nhân văn sâu sắc, góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.