Đình làng An Vĩnh nằm trong khu dân cư, tọa lạc ở thôn Tây, làng An Vĩnh. Phía trước đình làng là Bến Đình, nơi xuất bến của đội Hoàng Sa. Đình làng An Vĩnh nằm sát bờ biển phía Nam đảo Lý Sơn, mặt tiền nhìn ra biển Đông, phía sau ngôi đình về hướng Bắc có các núi Hòn Tai, Giếng Tiền làm bình phong án giữ.
Hình 1. Đình Làng An Vĩnh
Trước đây, cư dân Cù lao Ré sinh sống làm ăn ngoài đảo nhưng vẫn lệ thuộc vào sự quản lý ở các làng trong đất liền. Hàng năm, dân làng phải vào nạp thuế, đi phu và dự lễ tế tại các đình, miếu. Năm Qúy Tỵ (1773), cư dân trên đảo có đơn trình để xin cho tách biệt, không phụ thuộc các làng trong đất liền nữa, nhưng đến năm 1804, niên hiệu Gia thứ 3 mới chính thức cho tách độc lập.
Năm Mậu Ngọ (1798), Cảnh Thịnh thứ 7, đình làng An Vĩnh được tu bổ xây mới. Năm Nhâm Dần (1842), Thiệu Trị thứ 2 bị giặc Tàu Ô đốt phá. Năm Canh Thân (1920), Khải Định thứ 5 được tu bổ. Năm 1922 bị bão lớn làm hư hại nặng. Năm 1946, Ủy ban Hành chính Kháng chiến xã Lý Sơn đặt trụ sở làm việc tại đây. Năm 1953, ngôi đình bị Pháp thả bom làm sập mái trước, sắc phong bị cháy. Năm 1957, bị sụp đổ hoàn toàn, dân làng tu bổ nhà thờ tiền hiền để thờ các vị tiên công. Năm 2009, đình làng An Vĩnh được Nhà nước đầu tư kinh phí trùng tu, phực dựng.
Bố cục kiến trúc từ ngoài đi vào đình làng An Vĩnh gồm: Cổng đình tiếp đến bình phong trụ biển. Bình phong đình làng đắp theo kiểu tiền hổ hậu lân. Ngôi đình có kiến trú chữ tam gồm: Đình hạ, đình trung và đình thượng được bố cục liên kết tong một tổng thể đặt trên trục thần đạo.
Đình Hạ: Đi từ tiền sảnh qua năm gian cửa bàn khoa (thượng song hạ bản). Không gian kiến trúc của đình hạ có 30 cột chia làm ba gian hai chái. Đình hạ có bốn bộ vì kèo trụ tiêu áp quả đế con tôm. Hệ thống kẻ lòng gồm kẻ lòng nhất, kẻ lòng nhì, kẻ lòng ba liên kết qua đầu cột, đi qua hàng cột vách tiền liên kết kẻ hiên. Hàng cột hiên được xây bằng gạch, gồm sáu cột trang trí đắp nổi rồng cuộn, hai cột đầu mái hiên có dáng hình vuông, đế cột đặt trên lưng hai con Nghê quay đầu về phái trước chánh điện. Hệ thống bản lồng được trang trí chạm khắc. Bên trong nội thất đình hạ, chính giữa treo bức hoàng phi “An Vĩnh Đình” và hai liễn đối chữ Hán “Ân đức dựng xây miền đảo Lý/Nghĩa tình bồi đắp dải Hoàng Sa” được sơn son thếp vàng. Mái lợp ngói âm dương, đỉnh mái trang trí lưỡng long tranh châu, bờ mái đầu hồi trang trí đắp nổi long phượng triều qui. Hai đầu hồi đình hạ trang trí hình con dơi đắp nổi. Nội thất đình hạ đặt long đình dùng để rước thần trong lễ tế. Bàn thờ với các đồ thờ tự gồm dù tròn che long đình, chân đèn, bình hoa, bát nhang. Mặt trước tiền diện đặt hương án được làm bằng đá cẩm thạch trắng.
Đình Trung: Đình trung liên kết với đìn hạ bằng hệ thống máng xối, ở hai đầu máng xối trang trí đầu cá chép. Mặt bằng kiến trúc đình trung gồm 24 cột, có bốn bộ vì kèo trụ tiêu áp quả đế con tôm. Về kiến trúc của đình trung giống như đình hạ. Nội thất chánh điện đình trung đặt bàn thờ Hội đồng, hai bên đặt hai bộ bát bửu cát tường sơn son thếp vàng. Các khám thờ ở đình trung gồm gian thờ tả ban, hữu ban, tiền hiền, hậu hiền. Trên mỗi bàn thờ đều có bài vị bằng gỗ và các bộ tam sự phối thờ.
Đình Thượng: Đình thượng gọi là hậu cung liên kết với đình trung cũng bằng máng xối, hai dầu máng xối trang trí đầu các chép. Đình thượng được xây hoàn toàn bằng gạch, vôi vữa. Phần vách trước đình thượng là bộ cửa bàn khoa, hai bê hông vách được trổ hai cửa nhỏ để thông thoáng bên trong. Đình thượng có kết cấu tám mái theo kiểu kiên trúc mái cắt chồng cổ diêm, tạo thành bốn mặt trang trí. Nội thất thờ thần và các bài vị, hai bên thờ tả ban, hữu ban, các gian đều có đôi câu đối chữ Hán và đặt các bộ tam sự trên các bàn thờ.
Trong khuôn viên đình làng còn có nhà thờ Lục Tộc tiền hiền, cách đình không xa có di tích lăng Tân, chùa Vĩnh Ân, về hướng Bắc 200m có chùa Âm Hồn thờ vị Chúa Chưởng, là vị thần cai quản âm binh, âm hồn.
Hàng năm, cu dân làng An Vĩnh tổ chức tại đình nhiều nghi lễ, lễ hội. Hằng tháng, cứ vào ngày mồng một thì dâng hường lạy lễ sóc vọng. Ngày 23 tháng Chạp tế lễ chư tiên, đưa ông Táo về trời. Ngày 24 tháng Chạp, trồng đu lên phướn, hay gọi là lễ dựng nêu và treo đại kỳ đón xuân. Tối ngày 30 tháng Chạp, rạng sáng mồng 1 tết đón lễ giao thừa, rước thần linh (lễ này chưa được đánh trống). Tối ngày mồng 3 tết tổ chức lễ động thổ, ông Cả làng đánh trống báo hiệu cho dân làng biết, sau đó ở các dinh, lân, miếu trong làng mới tế lễ động thổ. Từ ngày mồng 4 tết đến ngày mồng 7 tết tế lễ đua thuyền tứ linh. Ngày 15 tháng Giêng làm lễ rằm Hạ Ngươn. Tháng 2 lễ cầu an đầu xuân (xuân cầu, thu báo) và lễ khao lề thế lính Hoàng Sa vào ngày 16 tháng 3 âm lịch. Trong tháng 3 âm lịch còn tế lễ thanh minh, tế cô hồn, âm hồn, chiến sĩ trận vong. Mồng 5 tháng 5 âm lịch cúng tết Đoan Ngọ. Ngày 15 tháng 7 âm lịch tế lễ rằm Trung Ngươn. Tháng 8 âm lịch tế lễ kỳ yên, lễ cúng tá thổ, tế thần nông, tế tam thiên. Mồng 10 tháng 10 âm lịch tế lễ Thượng Ngươn. Ngày 23 tháng Chạp tế lễ chư tiên.
Hình 2. Sân đình làng An Vĩnh
Đình làng An Vĩnh là di tích lịch sử cấp Quốc gia và lễ khao lề thế lính Hoàng Sa – Trường Sa tổ chức tại đình làng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào năm Qúy Tỵ (2013).