DI TÍCH LỊCH SỬ NHÀ PHA
Nhà Pha tọa lạc ở thôn Đông, xã An Hải, được thực dân Pháp xây dựng vào năm 1890 cùng với ngọn hải đăng (đèn biển). Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Nhà Pha từng ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử cách mạng quan trọng của Đảng bộ và nhân dân huyện đảo Lý Sơn và là nơi giam cầm, tra tấn nhiều chiến sỹ cách mạng và nhân dân trên đảo.
Năm 1930, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi ra đời đã phát động phong trào thành lập cơ sở tổ chức Đảng, lãnh đạo các cuộc mít tinh, biểu tình, rải truyền đơn, treo cờ Đảng trong toàn tỉnh. Ở Lý Sơn đã diễn ra sự kiện cắm cờ Đảng (Búa Liềm) trên đỉnh núi Thới Lới (xã An Hải) và trên núi Hòn Sỏi (xã An Vĩnh) vào tối ngày mồng 2 rạng sáng ngày mồng 3 tết Tân Mùi (1931).
Theo lệnh của Tòa liêm phóng mật thám Quảng Ngãi, chúng tiến hành truy lùng, bắt giam cán bộ và nhân dân tham gia phong trào cách mạng. Lúc đầu chúng bắt 51 người, số người bị bắt trên được đem về Nhà Pha để tra tấn, khủng bố nhằm truy lùng các đồng chí Đảng viên còn lại và cơ sở cách mạng của ta trên đảo. Sau đó, chúng đưa các đồng chí này về giam ở nhà lao Quán Lát (Mộ Đức) rồi đưa về huyện Bình Sơn để tiếp tục tra tấn, đánh đập tàn bạo.
Dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng bộ địa phương, ngày 16 tháng 8 năm 1945, nhân dân Lý Sơn nổi dậy giành chính quyền . Tại Nhà Pha cờ đỏ búa liềm được kéo lên, báo hiệu cho phong trào cách mạng trên đảo đã thành công, chính quyền thuộc về tay nhân dân, hòa chung không khí ngày độc lập của đất nước.
Tháng 9 năm 1951, thực dân Pháp đã nổ súng tái chiếm đảo Lý Sơn. Sau khi thực dân Pháp chiếm đảo Lý Sơn, chúng đã sử dụng bọn phản động tay sai bắt giam cán bộ và nhân dân tham gia cách mạng. Hơn 120 người bị thực dân Pháp bắt đưa về Nhà Pha giam giữ, tra tấn khai thác thông tin, nhằm tiêu diệt cơ sở kháng chiến trên đảo. Sau thời gian tra tấn tại Nhà Pha, chúng thanh lọc một số người được cho là nòng cốt của cách mạng, giải về Đà Nẵng để tiếp tục cầm tù cán bộ kháng chiến.
Đến cuối năm 1953, được sự giúp đỡ của phần tử phản động làm tay sai cho Pháp trên đảo Lý Sơn, thực dân Pháp đã bắt toàn bộ cán bộ kháng chiến cũ, một số ở Đà Nẵng mãn án về, một số lúc trước được chúng thả không giải đi Đà Nẵng, số người bị bắt về lên đến 100 người. Số người bị bắt cũng được đưa về Nhà Pha để khai thác, tra hỏi. Sau đó chúng đưa một số tù nhân xuống tàu ra Đà Nẵng, trên đường giải ra Đà Nẵng một số cán bộ cách mạng hy sinh, trong đó có ông Phạm Huấn (thầy Tư Huấn), người xã An Vĩnh.
Trong thời kỳ Mỹ Ngụy, tại di tích Nhà Pha, dưới sự chỉ đạo của chi bộ Đảng Lý Sơn nhân dân tổ chức các cuộc biểu tình kéo dài từ ấp Vĩnh Long đến trụ Nhà Pha, đấu tranh chính trị đòi quyền tự do dân chủ, tố cáo tội ác của bè lũ Mỹ – Ngụy, rải truyền đơn, nêu cao tinh thần, ý chí bất khuất của nhân dân đã đem lại một số thắng lợi quan trọng, góp phần cổ vũ mạnh mẽ tinh thần yêu nước của đồng bào ta trên đảo.
Phía sau Nhà Pha là ngọn hải đăng đảo Lý Sơn hay còn gọi là đèn pha, ngọn hải đăng do thực dân Pháp xây dựng năm 1890 bằng chất liệu sắt, độ cao đèn tính từ mặt đất lên tầm 45m.
Đến năm 1982, cây đèn pha do thực dân Pháp xây dựng đã bị tháo dỡ, sau đó được xây dựng mới trên đỉnh núi Thới Lới nhưng không phù hợp nên sau này đưa về lại vị trí cũ như hiện nay. Đỉnh cột đèn là đèn báo tín hiệu, mầu ghi xám, loại đèn của Tây Ban Nha sản xuất, đèn sáng trắng chớp đơn chu kỳ 5 giây một lần.
Năm 2000, cây đèn pha hiện nay được xây lại tại vị trí cây đèn cũ, hoàn thành và đưa vào sử dụng vào ngày 16 tháng 10 năm 2001. Cột đèn pha có tọa độ địa dư 109008’30” E và 15023’10” N, chiều cao 45m, tầm hiệu lực ánh sáng 21 hải lý. Đèn pha có tác dụng hướng dẫn cho các tàu thuyền hoạt động trong khu vực nhận biết được vị trí của mình và phương hướng hàng hải của tàu thuyền trong vùng biển Lý Sơn được an toàn.