– Trong phạm vi dòng tộc:
Theo phòng tục cổ truyền, hàng năm cứ đến tháng hai, tháng ba âm lịch, các dòng tộc ở hai làng An Vĩnh và An Hải trên đảo Lý Sơn tổ chức cúng việc lề và nghi lễ này đã thành lệ/ lề, nhằm thể hiện sự hiếu nghĩa của con cháu đối với ông bà, tổ tiên. Ngoài ra, còn có nghi thức tế lính Hoàng Sa được diễn ra ở những dòng họ có người đi lính Hoàng Sa như dòng họ Võ Văn, Phạm Văn, Phạm Quang, Nguyễn, Dương, Trần, Đặng…
Lễ cúng việc lề và tế lính Hoàng Sa bắt đầu bằng lễ cáo yết, gọi là lề Tiên Thường để tế cáo với tổ tiên. Sau đó, là lễ tế chính, lễ vật được chuẩn bị gồm gỏi mực, gỏi thịt, gỏi cá, xôi, cháo trắng, ba con gà trống, bánh chưng, bánh ú, bánh khô, bánh nếp, đĩa muối, đĩa gạo, đĩa cá nướng, đĩa cua nướng, cùng với trầu rượu, hương đăng, vàng mả và thuyền lễ. Thuyền lễ được làm bằng thân cây chuối, trên thuyền bỏ vào một ít muối hột, một ít gạo, xôi, bánh khô, gỏi cá, vàng mả. Ở mạn thuyền, nơi đặt linh vị các binh phu Hoàng Sa còn cắm năm lá cờ ngũ sắc đuôi nheo. Sau khi bàn soạn xong những phẩm vật, cụ Trưởng tộc là người đứng chủ bái khấn với tổ tiên, lạy tổ bàn, còn các ông trưởng chi phái đứng hai bên phân hiến làm nhiệm vụ bồi tế. Ngoài ra còn có ban nhạc ngũ âm, trống chiêng phối lễ. Nghi lễ được tiến hành trình tự theo nghi thức Thọ Mai Gia Lễ gồm sơ hiến, á hiến, chung hiến, trong phần á hiến lễ có đọc văn tế. Sau đó, vị Trưởng tộc kiểm tra Gia phả dòng họ có ai bị hư hại gì không rồi ghi tên người mất sau ba năm vào, đến chung hiến lễ dâng rượu tuần ba là xong.
Sau khi cúng việc lề thì nghi thức tế lính Hoàng Sa sẽ diễn ra tại nơi đặt linh thuyền. Nghi lễ do thầy Pháp sư điều hành. Thầy Pháp sư bấm ấn quyết, miệng đọc thần chú, yểm bùa phép và điểm chỉ trên thuyền, còn vị Trưởng tộc thì đứng phụ lễ như bỏ những phẩm vật cúng vào, thầy Pháp sư tế xong, vị chủ tế và các bồi tế mới thay phiên nhau đến khấn nguyện và quỳ lạy trước hương án. Nghi lễ kết thúc, thầy Pháp sư hướng dẫn vị Trưởng tộc và con cháu đưa các linh thuyền thả ra biển Đông, nhằm cầu nguyện cho linh hồn những người trong đội Hoàng Sa bị tử nạn sẽ về lại với quê hương.
– Trong phạm vi làng, xã:
Song song với nghi lễ cúng việc lề và tế lính Hoàng Sa ở các tộc họ thì làng An Vĩnh cũng tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tại đình An Vĩnh vào ngày 16 tháng 3 âm lịch với quy mô lớn hơn. Vị Cả làng làm chủ tế (mặc áo dài đỏ, khăn đội đầu màu đỏ, quần trắng), phân hiến là các vị chủ xóm, bồi tế là các chủ lân, chủ lăng vạn (bồi tế mặc áo dài xanh, khăn đóng xanh, quần trắng), kế đến là Trưởng tộc các dòng họ tiền hiền (mặc trang phục quần trắng, áo dài đen), cùng đội trống, chiêng, ban nhạc lễ, đội cờ hầu lễ( đội cờ mặc trang phục dân bơi với khăn đội đầu màu đỏ, quần trắng có viền dọc như đuôi phượng, áo xanh có vẽ viền nẹp màu đỏ) và Tổng lái các thuyền đua Long, Lân, Qui, Phụng. Đặc biệt phải có thầy Pháp sư để thực hành nghi lễ tế sống, lễ thả thuyền… Lễ vật phải có thịt heo sống, heo chín, gạo, muối, bánh khô, bánh ít và 05 chiếc thuyền lễ đặt ở trước sân đình làng. Trên các thuyền lễ đều có linh vị, hình nộm các binh phu Hoàng Sa, cờ ngũ sắc, hương đằn, vàng mả, gạo, muối cùng các phẩm vật khác. Sau đó, theo điều hành của thaayyf Pháp sư thuyền lễ sẽ được thả trôi ra biển, cầu mong những linh thuyền này sẽ chịu mọi rủi ro thay cho các binh thuyền đội Hoàng Sa, cũng là nhằm kích lệ ý chí, tinh thần cho dân phu an tâm đi làm nhiệm vụ.
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là dịp cấp phát binh lương, mở tiệc chiêu đãi binh phu. Nhiệm vụ của đội Hoàng Sa – Bắc Hải không chỉ phải mang tính chất kinh tế thu nhặt hóa vật biển, súng đạn, mà là bảo vệ chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của nước ta. Những vị binh phu ngày ấy ra đi cũng có người trở về, nhưng cũng nhiều người nằm lại với biển cả mênh mông, dân gian mới có câu hát: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về/ Hoàng Sa mây nước bốn bề/ Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa”. Trong nội dung văn tế lính Hoàng Sa tại đình An Vĩnh cũng mang nhiều nỗi bi ai: “Cúi nghĩ: Cõi u minh khó lòng tưởng tượng, chất trong chất đục phong hóa từ đầu. Ngoảnh sang Đông, ngóng về Tây, hướng đi mơ màng dễ dàng lạc bến. Ôi sắc nước hương trời xa đôi nẻo, lòng dễ mến yêu. Thủy phủ khiến sức nước ngưng, buổi sáng trong veo như trang điểm, cho hồn các vị tựa hàng tiên. Tiếng sóng động đông đài, tưởng niệm dấu thần phương nao mờ mịt, ngóng hồn thiêng xã vời vợi mong được hàm ơn. Cho tín chủ được bình an. Thân cung luôn khỏe mạnh. Cầu hồn thiêng mong được ứng. Mọi linh cảm được hanh thông. Ngày hôm nay, buổi sáng nay có theo ý người (chủ tế), ở tỉnh Quảng Ngãi, nước Đại Nam (Việt Nam), xin cúng tế một cổ thuyền mô hình, trôi theo đường thủy Hoàng Sa”.
Hiện nay, ở nhiều tộc hộ trên đảo Lý Sơn còn có nhiều ngôi mộ Gió (mộ chiêu hồn), phần nhiều là mộ của các bnh phu đã hi sinh lúc làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa, người thân ở nhà nhờ thầy Pháp sư làm hình nhân thế mạng bằng đất sét, cây dâu tằm nặn thành người để tổ chức mai táng, tiêu biểu có họ Võ Văn, Phạm Quang, Phạm Văn, Dương…
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tại các dòng tộc và làng, xã trên đảo được duy trì đến ngày nay đã trở thành một phong tục truyền thống mang giá trị lich sử, văn hóa, cố kết cộng đồng có ý nghĩa rất lớn đối với cư dân đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.