Đình làng An Hải tọa lạc ở thôn Đông, làng An Hải được xây dựng vào năm Minh Mạng nguyên niên (1820). Di tích là một công trình kiến trúc nghệ thuật khá tiêu biểu so với hệ thống đình làng còn lại ở Quảng Ngãi. Theo những tài liệu lưu giữ tại đình, vào năm 1926, Lý trưởng Nguyễn Hưng được làng An Hải giao làm nhiệm vụ trông nôm việc trùng tu, ton tạo di tích. Năm 1938, đình An Hải tiếp tục sửa chữa do ông Nguyễn Hào làm đốc công. Năm 1943 trùng tu cả đình trung và đình hạ. Tuy trảu qua bao nhiêu lần trùng tu nhưng đình làng An Hải vẫn giữ nguyên vẹn dáng kiến trúc cổ xưa mang phong cách thời Nguyễn, thế kỷ XIX.
Ngôi đình được xây dựng theo kiểu nhà rường miền trung chia thành ba gian, hai chài gồm đình thượng, đình trung, đình hạ. Đỉnh mái đính trang trí lưỡng long tranh châu, ngói lợp âm dương, đầu hồi đắp nổi con dơi, bình hoa quả. Bên trong nội thất, các cột và án thờ được bố trí cân đối hài hòa, kèo cột chống rường, trụ đội choãi cánh dơi, đế con tôm. Đình thượng thờ thần, đình trung đặt bàn thờ Hội Đồng và bàn thờ các vị tiền hiền, hậu hiền, đình hạ là nơi thờ tự các vị thần linh. Bên trong treo nhiều đối liễn, trong đó có câu đối “Lý Sơn khai bút mạch/ An Hải hội tài nguyên”. Khuôn viên đình làng còn có các công trình tín ngưỡng khác như: Nhà thờ thất tộc tiền hiền, Nghĩa tự làng An Hải, Dinh thờ nữ thần Thiên Y A Na, đền thờ Bùi Tá Hán, Lăng cá ông.
Hằng năm, dân làng An Hải tổ chức nhiều lệ hội tại đình như: Lễ trông đu lên phướn (24 tháng chạp), lễ rước thần và tiền hậu hiền đầu năm (mùng một Tết), lễ động thổ (tối mồng ba Tết), lễ đua thuyền tứ linh (mồng bốn đến mồng bảy tết), hội Dồi Bòng (sau lễ đua thuyền ngày mồng bảy), lễ cầu an. Theo âm lịch, lễ giỗ tiền hiền (20/2), lễ tết Đoan Ngọ (5/5), lễ hạ nguyên(14/1), lễ trung nguyên(14/7), lễ thượng nguyên (14/10), lễ kỳ yên, lễ thanh minh,và lễ cầu an, tế lính Hoàng Sa.
Di tích đình An Hải được Bộ Văn Thể thao và Du lịch công nhận là di tích Kiến trúc nghệ thuật Quốc gia tại Quyết định số 985-QĐ/VH ngày 7/5/1997.
Sưu tầm./.